Doanh nhân thành đạt là người biết điều hành doanh nghiệp một cách linh hoạt, tìm được sự cân bằng hợp lý trong nhiều khía cạnh.


1. Tập trung vào khách hàng và tạo lợi nhuận
Tập trung vào khách hàng là nhiệm vụ hết sức quan trọng của mỗi doanh nghiệp trong việc giành giật thị phần, nhưng nếu tập trung quá mức vào nhiệm vụ, chắc chắn lợi nhuận của doanh nghiệp bạn sẽ “có vấn đề” và bạn có thể sẽ bị mất những cơ hội khác. Ngược lại, nếu bạn ít chú ý đến dịch vụ này hoặc đưa ra dịch vụ không phù hợp, thì khách hàng sẽ chia tay bạn.
Những doanh nhân có thể đạt được sự thịnh vượng trong dài hạn là những người có thể cân bằng được giữa việc thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và việc tạo lợi nhuận.
2. Quá nhiều mục tiêu và quá ít mục tiêu
Với quỹ thời gian có hạn, nên chỉ một số lượng hạn chế mục tiêu có thể được theo đuổi. Các doanh nhân cần chú ý đến việc lựa chọn những mục tiêu quan trọng nhất. Hoạt động với quá nhiều mục tiêu cũng được coi là “tệ” như không có mục tiêu. Các nhà lãnh đạo yếu kém thường đặt trọng tâm vào mọi thứ.
Ông C.P. McCormick, Giám đốc điều hành Công ty McCormick đưa ra lời khuyên: “Các nhà lãnh đạo hiệu quả là những người đưa ra những mục tiêu rõ ràng và nói chung chỉ nên theo đuổi 3 – 5 mục tiêu then chốt”.
3. Kế hoạch và thực hiện
Việc lập kế hoạch rất quan trọng, nhưng việc thực hiện kế hoạch cũng không kém phần quan trọng. Một số nhà lãnh đạo tập trung quá nhiều vào việc lập kế hoạch, trong khi xem nhẹ việc thực hiện. Tất nhiên, cũng có một số nhà lãnh đạo lại có xu hướng ngược lại, tức là chú trọng đến việc thực hiện hơn nhiều so với việc lập kế hoạch. Những người lãnh đạo như vậy có thể làm rất nhiều, song hiệu quả chẳng bao nhiêu.
4. Kết quả và quy trình làm việc
Một số doanh nhân chỉ tập trung vào kết quả. Trên thực tế, quy trình thực hiện công việc đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ chú ý đến quy trình cũng sẽ là sai lầm. Một số doanh nhân rất dễ đi từ thái cực này đến thái cực khác. Người sáng suốt phải tìm được sự cân bằng hợp lý và nhấn mạnh đến cả quy trình lẫn kết quả.
5. Cứng rắn và mềm dẻo
Trong nhiều lúc, nhiều bối cảnh, cần phải cứng rắn, nhưng có những lúc bạn nên mềm dẻo. Bạn cần kiên định và cứng rắn trong các nguyên tắc và lòng tin, song trong từng hoàn cảnh cụ thể, bạn vẫn cần có có sự châm chước, thông cảm. Sự thái quá ở cả hai thái cực đều không đem lại hiệu quả, do đó, cần biết khi nào cần cứng rắn và khi nào cần mềm dẻo.
6. Nói và làm
Người lãnh đạo dành nhiều thời gian để nói về những ý tưởng và quan điểm của mình về một loạt vấn đề và cơ hội trong kinh doanh. Tuy nhiên, họ cũng cần dành thời gian thỏa đáng để nghe khách hàng, các nhà cung cấp và chính những nhân viên của mình. Những người lãnh đạo yếu kém là những người nói quá nhiều, trong khi ít chịu lắng nghe. Để có thể đem lại hiệu quả cao, chủ doanh nghiệp cần chú ý lắng nghe để từ đó có thể có những điều chỉnh thích hợp và điều phối công việc chuẩn xác hơn.
7. Hướng dẫn quá nhiều và hướng dẫn quá ít
Một bộ phận quan trọng trong công việc của người lãnh đạo là hướng dẫn nhân viên phải làm thế nào cho hiệu quả. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn giữa hướng dẫn quá nhiều và hướng dẫn quá ít. Hướng dẫn quá nhiều thường làm nhân viên mất đi sự chủ động và sáng tạo của mình, nên khó có thể tối đa hóa khả năng làm việc. Trong khi đó, hướng dẫn quá ít dễ dẫn đến hỏng việc, do nhân viên chưa thật sự nắm bắt được cách thức thực hiện công việc.
8. Sự kiện và cảm nhận
Đưa ra quyết định đúng đắn là một bộ phận quan trọng của người lãnh đạo. Nắm bắt các sự kiện là điều không thể thiếu của người lãnh đạo, nhưng sự hiện hữu của các sự kiện hoặc dữ liệu là chưa đủ. Cảm nhận về sự kiện cũng là một nhân tố quan trọng cần xem xét trước khi đi đến quyết định. Một số người lãnh đạo không thể xác định được những nguy cơ tiềm tàng, vì họ xem nhẹ hoặc bỏ qua cảm nhận.
9. Phê bình và khen ngợi
Người lãnh đạo đưa ra những phê bình mang tính xây dựng để các cộng sự biết được cái họ làm chưa tốt nhằm tìm cách hoàn thiện. Người lãnh đạo tốt là người đưa ra những thông tin phản hồi không thiên vị. Họ nói rõ với mọi người về những cái cần cải thiện. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng cần ghi nhận và khen thưởng thỏa đáng đối với những thành tích của mọi người để tạo dựng niềm tin và tạo động lực cho mọi người luôn cố gắng làm tốt hơn.
10. Thay đổi và giữ nguyên trạng
Cần có những thay đổi nhất định để không ngừng hoàn thiện hoạt động. Nhưng điều gì xảy ra khi người lãnh đạo đưa ra quá nhiều thay đổi lớn và thường xuyên thay đổi? Kết quả có thể sẽ là những xáo trộn và do vậy đương nhiên làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Có thể nói, quá nhiều thay đổi cũng tồi tệ như việc không chịu thay đổi. Người lãnh đạo sáng suốt phải có kế hoạch và thực hiện các thay đổi một cách hợp lý.
Theo Báo Đầu tư

0 ý kiến:

Post a Comment

 
Top