Làm chủ một một cơ sở kinh doanh riêng là một mong muốn cao quý, đầy cơ hội và thách thức bao gồm cả khao khát thành công và lo lắng thất bại.
Trên thực tế, kinh doanh không phải là chuyện có thể làm trong một tuần, một tháng mà nó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh và can đảm trong một thời gian dài. Chúng ta phải bỏ lại đằng sau một công việc “an toàn” và tự có trách nhiệm với vận mệnh của chính bản thân.
Khi quyết định chọn mua nhượng quyền thương mại để bắt đầu việc kinh doanh, bạn cần phải xem xét thật kỹ tính đơn giản, độ phức tạp của chúng và cân nhắc thật kỹ các mối quan hệ sẽ có. Đơn giản vì bạn nhanh chóng có một cơ sở kinh doanh, ngay lập tức nhận được các lợi ích từ hệ thống, từ thương hiệu cũng như các lợi ích của việc đào tạo, hỗ trợ, sức mua, nghiên cứu phát triển – điều đó giúp bạn tiết kiệm một lượng lớn các nguồn lực. Sự phức tạp do mối quan hệ giữa bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền, đòi hỏi phải có sự cân bằng và tính chín chắn để đánh giá tính lệ thuộc lẫn nhau giữa chúng.
Sau đây là một khuôn khổ để kiểm tra xem bạn có thích hợp và sẵn sàng cho phương thức nhượng quyền thương mại hay không.
Năm lĩnh vực bao gồm:
1. Sự rõ ràng về các lý do
2. Khát vọng và xu hướng
3. Quan niệm về thành công
4. Quan niệm về nhượng quyền thương mại
5. Mạng lưới hỗ trợ
Sự rõ ràng về lý do để bước vào kinh doanh
Trước khi có bước đi lớn vào công việc kinh doanh, điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ tại sao bạn chọn công việc kinh doanh làm nghề nghiệp của mình. Ở đây, không có lý do đúng hay sai. “Lý do” đó tùy thuộc vào bản thân bạn. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn hiểu rõ và viết ra được các lý do đó. Lý do của bạn phải có đủ sức thuyết phục để làm động lực cho bạn hành động – tránh làm lệch hướng bước đường sự nghiệp hiện có của bạn để nhảy sang lĩnh vực kinh doanh.
Khát vọng và xu hướng
Nhiều người có khát vọng kinh doanh nhưng chỉ dưới 5% mới thực sự hành động để tham gia vào công việc kinh doanh.
Đôi khi khát vọng xuất phát từ một “ngày làm việc kém hiệu quả” hoặc sự thất vọng khác. Khi tâm trạng này đi qua, hầu hết mọi người trở lại với lựa chọn công việc hiện tại của mình là được làm thuê cho ai đó. Lý do chính mà mọi người không dám bước vào công việc kinh doanh được tổng kết bằng một cụm từ viết tắt bằng bốn ký tự F.E.A.R: [False Evidence Appearing Real – Tạm dịch là: Bằng chứng giả, xuất hiện thực]. Đây là lý do tại sao chúng ta tin rằng mọi thứ không phải là thực do sợ những gì xảy ra khi bước vào công việc kinh doanh.
Khi tâm trí của bạn đã bị nhồi đầy nỗi sợ hãi, bạn bắt đầu cảm thấy không tự tin vào chính mình, bạn không tin vào khả năng của mình, thổi phồng rủi ro và bạn sẽ không dám hành động. Kết quả là bạn tiếp tục hành động theo cách mà mình vẫn làm bằng cách tự biện minh là hoàn cảnh hiện tại của bạn sẽ có thay đổi đột biến nào đó. Liệu điều đó có xảy ra không nhỉ? Tiếp tục mơ ước.
Ngược lại, khi bạn không thể nghĩ được bất kỳ điều gì khác và bị ám ảnh với quyết định bước vào công việc kinh doanh của bản thân, thì trường hợp này được định nghĩa là “xu hướng”. Đó là khi bạn được thúc đẩy từ trong nội tại để có các hành động cần thiết nhằm đạt được mục tiêu khi bước vào công việc kinh doanh. Bạn sẽ không dừng lại cho đến khi bạn đạt được mục tiêu đó.
Quan niệm về thành công
Khi bạn quyết định bước vào công việc kinh doanh, bạn đã lựa chọn một con đường - nơi mà bạn có niềm tin vào tài năng, kỹ năng và sự cần cù của bạn để tạo được một sự nghiệp thành công. Bạn phải có khát vọng cháy bỏng nội tại để thành công. Ông Napoleon Hill, tác giả của cuốn “Think and Grow Rich” đã trình bày một cách bao quát về đề tài này. Ông nêu ra một số điểm quan trọng để có một quan niệm về thành công, một trong số những quan điểm này bao gồm: phải định hình rõ mục tiêu; có sáng kiến cá nhân để hành động đối với mục tiêu của bạn; có thái độ tích cực; tin tưởng; kiên định; kỷ luật tự giác; và tập trung vào việc lập kế hoạch thời gian cũng như ngân sách một cách hiệu quả.
Quan niệm về nhượng quyền thương mại
Nhượng quyền thương mại: là một hình thức kinh doanh mà một doanh nghiệp đã có sản phẩm hoặc dịch vụ thành công (Bên nhượng quyền) tham gia vào quan hệ hợp đồng với các doanh nghiệp khác (bên nhận quyền) hoạt động theo tên thương mại của bên nhượng quyền và chịu sự hướng dẫn của bên nhượng quyền. Bên nhận nhượng quyền phải trả một phần chi phí trên doanh thu cho bên nhượng quyền để có được hoạt động đó.
Khi bạn tham gia vào một hệ thống nhượng quyền thương mại là bạn đã chia sẻ ý tưởng và tầm nhìn của bên nhượng quyền để phân phối một sản phẩm hay dịch vụ vào thị trường. Kinh nghiệm và khát vọng của bạn trong việc phát minh lại hệ thống có phần nào đó không thích hợp. Thay vào đó, để đạt được thành công trong nhượng quyền thương mại, hãy hiểu, tin tưởng và sẵn sàng tuân thủ kế hoạch đã được vạch ra dành cho bạn. Hãy tận dụng nguồn lực có sẵn của hệ thống để phục vụ cho sự thành công của chính bạn.
Một người nhận nhượng quyền mà thực hiện các quy định của hệ thống càng tốt thì càng có cơ hội lớn để đạt được kết quả mong muốn.
Mạng lưới hỗ trợ
Khi bạn bước vào công việc kinh doanh, bạn phải chuẩn bị thời gian dài, chăm chỉ và gặp phải những khó khăn cũng như thuận lợi thường gặp trong bất kỳ công việc kinh doanh nào. Đó cũng là lúc bạn cần đến mạng lưới hỗ trợ của mình. Bạn có thể có mạng lưới hỗ trợ mà bạn xem như là mạng lưới hỗ trợ của bạn, tuy nhiên điều tối thiểu là bạn phải đảm bảo để chồng hoặc vợ, con cái, cha mẹ và bạn bè của bạn hỗ trợ bạn quyết định tham gia vào kinh doanh. Sự hỗ trợ này không nhất thiết phải bao gồm hỗ trợ tài chính. Đôi khi đó chỉ đơn thuần là hỗ trợ về tinh thần từ người mà bạn yêu mến, tin cậy và tin tưởng bạn về những gì mà bạn dự định làm. Đừng bỏ qua mạng lưới hỗ trợ này – bạn sẽ cần đến nó.
Tiếp theo hãy tập trung tâm trí của bạn vào việc sở hữu kinh doanh.
Vân Anh (Theo Franchise Direct)
nhuongquyenvietnam
0 ý kiến:
Post a Comment