Chỉ trong hơn 1 tháng, 500 cửa hàng tiện lợi, 70 trung tâm thương mại mang thương hiệu G7 Mart đã đi vào hoạt động trên toàn quốc. Đây chính là câu trả lời thuyết phục của Công ty cổ phần G7 Mart trước những câu hỏi về quy mô và tham vọng quá lớn của dự án này.

Với lộ trình cụ thể để đưa vào vận hành hệ thống phân phối khổng lồ này, G7 Mart đang tạo cho các nhà sản xuất, cấp quản lý niềm tin hàng hóa, thương hiệu Việt sẽ vững vàng trong cuộc cạnh tranh mở cửa thị trường sắp tới.
"Biến" chủ hiệu chạp phô thành người nhà
Trong lễ ra mắt tối 5.8 tại TP.HCM, Công ty TNHH G7 Mart đã đổi tên thành Công ty cổ phần G7 Mart. Giải thích về việc này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc công ty cho biết, trong một tương lai gần, tất cả những nhà cung cấp có nhu cầu đều có thể trở thành thành viên của G7 Mart. Đây chính là mục tiêu mà G7 Mart hướng đến. Thực chất, tiêu chí phối hợp là dấu ấn đậm nhất, sâu sắc và xuyên suốt trong quá trình từ khi còn là ý tưởng tới khi dự án G7 Mart chính thức đi vào hoạt động. Đầu tiên là phối hợp với các chủ tiệm chạp phô, tạp hóa, các nhà phân phối địa phương. Lợi thế của hệ thống phân phối truyền thống này là mặt bằng và lượng khách hàng ổn định nhưng họ thiếu sự chuyên nghiệp, kỹ thuật, công nghệ và thiếu sự liên kết. Nhận thấy rõ điều đó, G7 Mart đã phối hợp với họ bằng cách đầu tư từ 50 - 200 triệu đồng tùy cửa hàng; cung cấp hệ thống nhận diện; huấn luyện phương thức bán hàng hiện đại; cung cấp giải pháp chuẩn hóa trong trưng bày hàng; hệ thống quản lý bán lẻ; hệ thống bảng hiệu quảng cáo... Sự phối hợp này đã mang lại một hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại và khổng lồ mang thương hiệu G7 Mart.
Sau khi "biến" các nhà sản xuất và các chủ cửa hiệu chạp phô thành người nhà của G7 Mart, mọi chi phí trung gian, chi phí vận chuyển được cắt bỏ. Giá bán tại các cửa hàng tiện lợi G7 Mart là giá mà nhà sản xuất đưa ra và cùng thống nhất một giá trên toàn quốc.
Không dừng lại ở đó, theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, G7 Mart đã lên chương trình phối hợp cùng các nhà sản xuất trong và ngoài nước để sản xuất thêm các mặt hàng chỉ dành riêng cho kênh phân phối G7 Mart với thương hiệu G7.
Đưa văn hóa và thương hiệu Việt ra thế giới
Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, sức mạnh của các nước châu Á là bản sắc văn hóa được truyền tải qua hàng hóa, dịch vụ mà thế giới gọi đó là "quyền lực mềm". Đơn cử như phim hoạt hình của Nhật Bản, phim truyền hình của Hàn Quốc, võ thuật của Trung Hoa... Ngay chính trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam là Thái Lan cũng sở hữu thương hiệu đẳng cấp thế giới Seven- Eleven đang có mặt ở hàng trăm quốc gia khác nhau. Nếu chúng ta "ráp" các sản phẩm nông sản chất lượng tốt nhất thế giới, hơn 80 triệu dân và 3 triệu Việt kiều có mặt trên toàn cầu, sự thông minh, sáng tạo sẵn có của người Việt... cơ hội quảng bá hàng hóa, thương hiệu Việt ra thế giới là hoàn toàn có thể.
Ở giai đoạn cuối cùng của hệ thống phân phối bán lẻ G7 Mart, các khu trung tâm thương mại Việt Nam sẽ được xây dựng tại nước ngoài mang tên "Viettown" để đưa thương hiệu, hàng hóa, văn hóa Việt ra thế giới. Trung Quốc đã thành công và làm cả thế giới phải để mắt tới thương hiệu, hàng hóa của họ cũng bởi những China Town, mà khởi đầu có khi chỉ có... 2 DN Trung Quốc hoạt động. Nhưng đó là một sự "dọn đường" rất hiệu quả để thành lập những khu sầm uất cho hàng hóa Trung Quốc sau này.
Việt Nam cũng đã từng xây dựng trung tâm thương mại  ở một số nước, tuy nhiên không mấy thành công. Rút kinh nghiệm thất bại của một số trung tâm thương mại  của Việt Nam ở một vài nước trước đây, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết, trước khi "mang chuông" ra thế giới thì G7 Mart trong nước phải thực sự vững mạnh, đoàn kết thành một khối thống nhất, được sự ủng hộ của Chính phủ và cộng đồng người tiêu dùng. Có như vậy, Viettown với sứ mạng tiếp thị hàng hàng hóa, thương hiệu Việt sẽ "đánh đâu thắng đó".
Nguyên Hằng

0 ý kiến:

Post a Comment

 
Top