Xin chào các anh chị và các bạn,
Hầu hết chúng ta đều biết câu “Không biết thì hỏi, muốn giỏi phải học”, tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy có rất nhiều trường hợp đào tạo không hiệu quả, hoặc đào tạo xong rồi, nhưng mỗi người hiểu một ý, và triển khai thực tế cũng không ai giống ai. Vậy liệu nhân viên chúng ta có vấn đề về thần kinh hay khả năng tiếp nhận? chắc chắn không phải như vậy, mà là do chính những nhà quản lý chúng ta chưa có phương pháp đào tạo phù hợp.
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin trình bày quy trình đào tạo hiệu quả được áp dụng rất thành công trong thực tế. Đây không phải là một quy trình trên sách vở mà là quy trình chúng tôi áp dụng để đào tạo cho nhân viên. Ngoài ra, nếu bạn có dịch vụ đào tạo, thì quy trình này cũng dành cho học viên của bạn.
1. Làm thật rõ mục tiêu của chương trình hoặc buổi đào tạo
Hầu hết chúng ta thất bại trong học tập vì chúng ta không biết học để làm gì và tại sao phải học, và cũng chẳng biết học như thế nào. Trong giai đoạn này, những nhà đào tạo cần làm rất rõ điều này. Để hiệu quả, chúng ta cần dùng những từ ngữ thật đơn giản, càng đơn giản càng tốt, tránh dùng những thuật ngữ chuyên ngành hoặc những từ ngữ quá bóng bẩy trong giai đoạn này.
Trong giai đoạn này, cũng phải nêu những kinh nghiệm mà trước đây các học viên gặp khó khăn khi được đào tạo từ đó giúp học viên có thể vượt qua những trở ngại trong quá trình tiếp thu môn học và phương pháp học tập phù hợp cho môn học này. Xong giai đoạn quan trọng này là bạn đã có nền tảng để tạo động lực cũng như phương pháp học tập hiệu quả cho người học.
2. Người học phải được cung cấp tài liệu và được HƯỚNG DẪN dùng tài liệu
Ai cũng biết học thì phải có tài liệu, nhưng nhiều người lại không đào tạo phương pháp sử dụng tại liệu. Trong giai đoạn này, sau khi đã cung cấp tài liệu cho học viên TRƯỚC buổi học, bạn cũng phải đính kèm hướng dẫn sử dụng tài liệu, và điều này cũng được nêu lại trong giai đoạn ban đầu của chương trình. Hướng dẫn này trả lời các câu hỏi:
- Tài liệu gồm những nội dung gì, được trình bày theo kiểu gì? (sách, textbook, ebook, video…)
- Những tài liệu này phục vụ gì cho mục tiêu của chương trình (ở bước 1)
- Sử dụng những tài liệu này như thế nào? Đâu là những phần cần chú ý và quan tâm, đâu là phải chỉ dùng để tham khảo..
3. Đào tạo/ trình bày với nhiệt huyết và bám sát mục tiêu đào tạo
Mục tiêu đào tạo dù hay đến đâu nhưng khi bạn triển khai không bám sát thì cũng trở nên vô ích. Luôn bám sát và nhắc lại mục tiêu của chương trình đào tạo trước và sau mỗi mục, mỗi chương đào tạo.
Phương pháp trình bày nhiệt huyết là yếu tố khiến học viên nhập tâm hơn. Chúng ta thường hay mắc sai lầm là khi chúng ta đào tạo, chúng ta luôn chuẩn bị sao cho chúng ta trở nên ấn tượng và thuyết phục nhất, điều này là đúng nhưng không phải là mục tiêu quan trọng nhất, mục tiêu quan trọng nhất của đào tạo là người học lĩnh hội được điều bạn nói một cách chắc chắn và hứng thú (chứ không phải đánh giá bạn chuyên nghiệp). Để giúp học viên nhập tâm và cuốn hút, chúng ta cần nhớ các đặc tính của người đào tạo như sau: nhiệt huyết, tổ chức tốt, chặt chẽ theo chủ đề và mục tiêu môn học.
4. Hãy đề người học “dẫn dắt” buổi đào tạo
Bạn hãy bắt đầu bằng phương pháp: Nạp kiến thức + trao quyền phản hồi kiến thức + đúc kết nội dung đào tạo. Đây là phương pháp đào tạo hiệu quả nhất hiện nay khi người đào tạo trước tiên nêu ra vấn đề và đưa ra kiến thức nền tảng cốt lõi, sau đó trao quyền cho người học phát triển ý tưởng và áp dụng chúng trong các hoàn cảnh mà người học trải qua, sau đó người đào tạo sẽ đúc kết và không quên “chỉ” ra vấn đề này thuộc điều nào trong mục tiêu đào tạo ở bước 1.
5. Người được đào tạo phải chứng minh là mình đã hiểu thật rõ nội dung đào tạo
Sai lầm lớn nhất là chúng ta luôn nghĩ đào tạo xong là…xong. Không phải như vậy, đào tạo xong là phải…kiểm tra lại. Rất nhiều trường hợp đào tạo thật kỹ càng nhưng khi áp dụng mỗi người hiểu một kiểu, hãy để cho học viên có cơ hội chứng minh những gì họ đã được học. Bạn chỉ cần một bài kiểm tra cuối buổi hoặc sau đó một vài ngày, để chắc chắn rằng tất cả mọi người đều hiểu điều bạn đang đào tạo.
6. Tái đào tạo tức thì và tái đào tạo định kỳ
Ngay sau khi nhận được kết quả kiểm tra, người đào tạo phải đánh giá mức độ hiểu vấn đề và nội dung đào tạo của người học. Trong trường hợp kết quả không như mong đợi, người đào tạo phải đào tạo lại ngay (tái đào tạo tức thì). Chúng ta chỉ yên tâm khi kết quả ngay sau khi đào tạo tốt, có nghĩa là mọi người đã hiểu rõ những gì bạn đã đào tạo.
Đào tạo 1 lần chưa phải là tất cả, dù kết quả kiểm tra đã tốt, nhưng chúng ta cũng cần có kế hoạch tái đào tạo định kỳ. Tùy thuộc vào chương trình và mức độ quan trọng mà nhà quản lý sẽ tự xây dựng cho mình khoảng thời gian tái đào tạo. Khi tái đào tạo định kỳ, chúng ta không cần phải đào tạo lại 100% mà chúng ta có thể bắt đầu từ bước 4.
6 bước đào tạo trên đây được các trường đại học áp dụng từ rất lâu và khá thành công. Khi chúng tôi áp dụng cho nhân viên của mình và cho trung tâm đào tạo của chúng tôi, kết quả rất khả quan, giảm thiểu trường hợp “đào tạo một đường làm một nẻo”. Hy vọng quy trình này cũng có thể giúp ích cho các bạn.
Chúc các anh chị và các bạn thành công.
- See more at: http://quantrikinhdoanh.com.vn/cach-de-dao-tao-nhan-vien-hieu-qua/#sthash.rAN4WQFH.dpuf
0 ý kiến:
Post a Comment