“Giữ chân” những nhân sự có năng lực luôn là một thách thức không nhỏ đối với các công ty, đặc biệt là trong bối cảnh tồn tại trên thương trường ngày càng khó khăn, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn giữ lại và phát triển nguồn tài nguyên vô giá là con người để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tại hội thảo tương tác “Nhân sự: Bài toán dụng người và giữ người” do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức cuối tháng 6 vừa qua, bà Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kết nối nhân tài (Talentnet) gợi ý một vài giải pháp giúp doanh nghiệp “gỡ rối”:

Vấn đề lương thưởng chính là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp “giữ chân” người tài. Lương thưởng chắc chắn phải có tính cạnh tranh cao. Lương bổng ngoài việc đáp ứng các nhu cầu chi tiêu thì còn là thước đo sự công nhận khả năng. Đôi lúc, điều người lao động cần không phải là tiền bạc, bổng lộc mà là niềm tự hào do mức lương cao mang lại.

Yếu tố quan trọng tiếp theo là chính sách thăng tiến nghề nghiệp hợp lý. Người giỏi chắc chắn có tham vọng, và điều họ muốn thấy là một kế hoạch thăng tiến rõ ràng, một mục tiêu đáng giá để làm động lực hướng tới. Nhà quản lý cũng cần đặt nhân viên vào đúng chỗ, đúng vị trí thích hợp với năng lực và sở thích để có thể phát huy hiệu quả nhất năng lực sẵn có.

Tiếp đến, môi trường làm việc và cơ hội phát triển bản thân là yếu tố mà bất cứ nhân viên giỏi nào cũng quan tâm. Môi trường làm việc lý tưởng là môi trường tạo ra cảm giác cởi mở, tự do, bình đẳng và an toàn để nhân viên có thể tập trung toàn tâm toàn ý cho công việc của mình. Kinh nghiệm ở Talentnet: những tiện ích nhỏ như cà phê miễn phí, khu vực nghỉ ngơi thư giãn dù ít tốn kém nhưng cũng đủ tạo ra sự hài lòng cho đội ngũ nhân viên, từ đó bồi đắp thêm sự gắn bó với công ty và nuôi dưỡng niềm đam mê công việc.

Đam mê công việc thường được hiểu là tố chất cá nhân, tuy nhiên, theo các chuyên gia nhân sự, đam mê công việc còn chịu tác động rất lớn từ môi trường bên ngoài.
Đam mê công việc là phép cộng của nhiều yếu tố, trong đó tác động từ người lãnh đạo chiếm vai trò không nhỏ. Người lãnh đạo nếu khéo léo truyền được ngọn lửa đam mê cho cấp dưới thông qua các hình thức như chia sẻ thông điệp, truyền tải thông tin, đào tạo nghiệp vụ sẽ nuôi dưỡng và phát triển niềm đam mê nơi mỗi nhân viên, để đam mê công việc không chỉ là sở thích mà còn là động lực phấn đấu và ý nghĩa cuộc sống.

Giúp người trẻ có năng lực nắm giữ trọng trách một cách thuyết phục cũng là một bài toán khó. Để giải quyết tình huống này, các chuyên gia đề nghị lãnh đạo không vội bổ nhiệm nhân viên trẻ nếu nhân viên này chưa thuyết phục được đồng nghiệp.

Lãnh đạo cần tạo điều kiện cho nhân viên có năng lực thể hiện bản lĩnh cá nhân thông qua các họat động nội bộ và dự án nhỏ, từng bước chứng minh khả năng, mở rộng các mối quan hệ cá nhân và xây dựng lòng tin nơi đồng nghiệp trước khi thử thách ở những vị trí khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, các quản lý cấp trung cũng cần được chia sẻ cụ thể, rõ ràng về tầm nhìn và chiến lược của công ty. Đội ngũ quản lý cấp trung đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm cầu nối truyền đạt thông tin, mục tiêu, nguyện vọng… giữa cấp lãnh đạo và nhân viên, giúp cả bộ máy hoạt động nhịp nhàng, ăn ý.
Để thành công trong việc điều hành nhân sự, ngoài một chiếc lược tốt, doanh nghiệp còn cần kiên định và nghiêm túc thực thi kế hoạch. Các chế độ lương thưởng, phúc lợi cho nhân viên thường được xem như là chi phí, chứ không phải là nguồn đầu tư, vì nguồn nhân lực được sử dụng chưa hiệu quả. Trước khi đưa ra bất kỳ chiến lược nào, doanh nghiệp cần định vị mục tiêu và nguồn lực của chính mình, từ đó “liệu cơm gắp mắm” và sáng tạo để tiết kiệm chi phí.

Theo NhanSu

0 ý kiến:

Post a Comment

 
Top