Nội dung nổi bật:
- Năm 2003, hai tập đoàn viễn Thông Bồ Đào Nha (Portugal Telecom - PT) và Tây Ban Nha (Telefonica) cùng mua lại 60% cổ phần của Vivo - nhà mạng di động lớn nhất Brazil. Sau năm 2003, Vivo bỗng tăng trưởng vèo vèo, tiền lãi nối đuôi nhau chảy vào túi. Telefonica liền ngỏ ý mua lại phần vốn góp của PT với giá 5,7 tỷ Euro.
- Thách thức: Bán hay không?
+ Nếu chấp nhận: Giá cũng hời, nhưng Vivo là tài sản cực giá trị, đang đóng góp chính vào doanh thu của PT.
+ Nếu mặc cả cao hơn: Khá rủi ro, uy tín PT trong mắt giới đầu tư sẽ bị tổn hại.
- Chiến lược:
(i) "Đọc vị" được vì sao đối phương lại khao khát mua tài sản đến thế: Giá chào tuy gấp đôi vốn hóa thị trường của Vivo nhưng khi Vivo sáp nhập với mạng điện thoại cố định của Telefonica, giá trị mang lại cho Telefonica còn lớn hơn nhiều.
(ii) Quan hệ thật tốt với cổ đông để dành sự ủng hộ trong những thời điểm then chốt: Dù chiến lược có rủi ro nhưng cổ đông vẫn đồng lòng nghe theo với ban lãnh đạo PT.
- Kết quả: Telefonica cuối cùng phải tăng giá lên gấp rưỡi và bỏ ra 7,5 tỷ euro mới mua lại được cổ phần.
Người viết là Giáo sư tài chính Nuno Fernandes của Trường kinh doanh IDM.
Năm 2003, hai tập đoàn viễn Thông của Bồ Đào Nha (Portugal Telecom - PT) và Tây Ban Nha (Telefonica) cùng thành lập một liên doanh với tỷ lệ góp vốn 50 - 50 nhằm mua lại 60% cổ phần của Vivo - nhà mạng di động lớn nhất Brazil.
Mấy năm sau Vivo đều tăng trưởng thần tốc ở mức hai con số, mặc sức thu lợi nhờ nhu cầu khách hàng bùng nổ cùng những khoản đầu tư khổng lồ.
Tháng 5 năm 2010, Telefonica ngỏ ý mua lại cổ phần của PT trong liên doanh với giá 5,7 tỷ Euro. Số tiền này cao hơn gấp đôi giá trị thị trường của Vivo. Nhà vận hành Tây Ban Nha cho biết đây là lời đề nghị cuối cùng, và giá như thế là công bằng và đầy đủ.
Thách thức: Giá trông cũng hời, nên bán hay không?
Zienal Bava, giám đốc điều hành của PT phải đưa ra quyết định để các cổ đông hài lòng nhất.
Lựa chọn an toàn: chấp nhận đề nghị của Telefonica vì cái giá đó phải nói là cũng khá hời. Thế nhưng Vivo lại là tài sản rất quý giá của PT, chiếm tỉ lệ đáng kể trong doanh thu và tăng trưởng công ty.
Lựa chọn rủi ro: không chấp nhận, phải mặc cả được giá cao hơn. Nhưng cách này khá rủi ro, uy tín của PT trong mắt các nhà đầu tư có nguy cơ bị tổn hại.
Chiến lược: Phải thật là 'cáo'
PT quyết định đưa ra thông điệp nhất quán: Cổ phần Vivo công ty đang nắm giữ không phải là thứ để bán, giá trị của nó đối với Telefonica cao hơn cái giá được đưa ra. Thông điệp này được thể hiện trong một loạt các roadshow* nhắm tới các nhà đầu tư.
Ngày 10/5/2010, hội đồng quản trị PT đồng lòng bác bỏ lời đề nghị trị giá 5,7 tỷ Euro với lý do Vivo là yếu tố cốt lõi trong chiến lược của PT. Nếu bán cổ phần, triển vọng tăng trưởng dài hạn của PT sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, tương lai của PT bị chặn đứng.
Ban quản lý cấp cao của PT, bao gồm cả giám đốc điều hành Bava liền thực hiện tiếp một đợt roadshow quy mô toàn cầu để nhấn mạnh rằng cái giá Telefonica đưa ra vẫn "chưa ăn thua gì" so với tiềm năng của nền kinh tế Brazil. Giá trị mang lại cho Telefonica sau khi mua lại Vivo quá thấp, và đáng lẽ nó phải được chia sẻ nhiều hơn cho cổ đông PT. Quan trọng nhất là uy tín của PT trên thị trường rất cao: đội ngũ quản lý PT đã giành nhiều giải thưởng liên quan tới đầu tư.
Khi mạng di động Vivo sáp nhập với mạng điện thoại cố định của Telefonica, giá trị mang lại cho Telefonica là vô cùng lớn
|
Hội đồng quản trị của PT hiểu rằng Telefonia chưa chắc định buông tay khỏi một thỏa thuận chiến lược như thế. Công ty "đọc vị" được Telefonica đang muốn kiểm soát toàn bộ Vivo để sát nhập vào mạng điện thoại cố định của hãng tại Brazil. Hơn nữa, là một trong những nhà mạng viễn thông lớn nhất thế giới, Telefonica phải tăng cường sự hiện diện tại Brazil do áp lực của các nhà đầu tư.
Kết quả: Giá tăng gấp rưỡi
Mặc dù đây là lần đầu trong lịch sử hai công ty ở thế đối đầu, nhưng Telefonica vẫn mạnh tay tăng lời mời mua lên 6,5 tỷ Euro. Một lần nữa hội đồng quản trị của PT lại từ chối vì tính ra, cái giá này vẫn chưa "xi nhê" gì với giá trị chiến lược của Vivo đối với Telefonica. Tuy nhiên, vào ngày 30 tháng 7, hội đồng vẫn triệu tập đại hội cổ đông để bỏ phiếu cho quyết định then chốt này. Một đợt roadshow khác được thực hiện và các cổ đông vẫn thống nhất từ chối giá chào này.
Cuối tháng 6, Telefonica lại nâng giá lên thành 7,15 tỷ Euro. Trong cuộc họp ngay ngày hôm sau, 74% cổ đông PT đã chấp thuận giá này. Thấy thế, chính phủ Bồ Đào Nha - một trong các cổ đông của PT - liền lấy tư cách “cổ đông vàng” để phủ quyết thỏa thuận. Nhưng rồi cuối cùng các bên cũng đồng ý với giá chốt là 7,5 tỷ Euro vào cuối tháng 7 năm 2010.
Tổng số tiền Telefonica chi ra để mua lại cổ phần của PT tại Vivo còn lớn hơn toàn bộ vốn hóa thị trường của PT.
Sau vụ mua bán, PT vẫn duy trì được hiện diện tại Brazil bằng cách chi 3,7 tỷ Euro để mua 24% cổ phần của Oi - nhà điều hành viễn thông tích hợp lớn nhất nước này. PT trả lại 1,5 tỷ Bảng Anh tiền mặt cho cổ đông và nắm giữ phần còn lại.
Bài học
Giá trị tài sản phụ thuộc vào chuyện ai sở hữu, sự điều phối chắt lọc từ đó.
PT dám liều lĩnh từ chối một lời đề nghị cực kỳ hấp dẫn và đạt được thỏa thuận "ngon lành" hơn cho các cổ đông, nhờ có những yếu tố sau:
- Hội đồng quản trịtuyệt đối ủng hộ.
- Mang lại kết quả cho cổ đông trong từng giai đoạn.
- Hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược của tài sản đối với người trả giá.
- Quan hệ tốt với nhà đầu tư, đảm bảo luôn nhận được sự ủng hộ của cổ đông.
*Roadshow: Các sự kiện thu hút số lượng lớn khách hàng tiềm năng quan tâm đến một đợt mua bán, bao gồm các bài thuyết trình đa phương tiện, sự kiện trên đường phố, họp mặt riêng tư...
Thùy An
0 ý kiến:
Post a Comment