Lan toả siêu thị mini 
Vài năm trở lại đây, người dân ở các vùng cách xa trung tâm đô thị TP.HCM cũng mua được hàng ở “siêu thị”.

Vài năm trở lại đây, người dân ở các vùng cách xa trung tâm đô thị TP.HCM cũng mua được hàng ở “siêu thị”.

Lan toả siêu thị mini
Đó là các siêu thị tư nhân, do các hộ kinh doanh cá thể mở ra. Hàng loạt các siêu thị tư nhân vừa và nhỏ cũng xuất hiện, đang len lỏi vào những khoảng trống của thị trường đầy tiềm năng này. Gọi là mini nhưng diện tích cũng vài ngàn mét vuông.

Chỉ riêng ở TP.HCM, theo thống kê chưa đầy đủ, cũng đã có hơn 30 siêu thị tư nhân vừa và nhỏ đang hoạt động. Phần lớn tập trung nhiều ở các khu vực vùng ven, vùng xa dân cư… và góp phần vào việc phục vụ nhu cầu của một bộ phận dân cư thu nhập trung bình và thấp nơi đây.

Kênh đưa hàng về vùng xa

Có mặt gần 3 năm trên thị trường, Tianmart được biết đến như một điểm mua sắm quen thuộc của người dân ở ba phường 1, 4, và 5 của Q.8 và một phần xã Bình Hưng của huyện Bình Chánh. Chỉ với hơn 2.000 m2, siêu thị cung cấp cho thị trường hơn 30.000 mặt hàng các loại từ sách vở, dụng cụ học tập, quần áo, thực phẩm, hàng tiêu dung, xa xỉ phẩm… phục vụ cho hơn 1.000 lượt khách mỗi ngày.

Ông Vũ Văn Trình, Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Titanmart chia sẻ về ý tưởng thành lập siêu thị, là thị trường bán lẻ còn rất rộng, đặc biệt là nhu cầu mua sắm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của những người dân khu vực vùng ven như các quận ngoại thành của thành phố (quận 8, Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức, Củ Chi…) và các tỉnh lân cận TP.HCM là rất cao. Trong khi các siêu thị lớn thường chỉ tập trung vào những khu vực nội thành nên chưa “phủ sóng” đến những đối tượng này.

Theo ông Trình, thói quen đi chợ của người dân các vùng ven này vẫn còn nhiều, tuy nhiên hầu hết chỉ mua hàng thực phẩm. Còn những mặt hàng khác như dầu gội, dầu ăn, sữa, mỹ phẩm, sách vở, dụng cụ học tập…, người tiêu dùng vẫn chuộng vào siêu thị, vừa có nhiều sự lựa chọn vừa đảm bảo chất lượng, tránh được hàng giả, và đôi khi còn có khuyến mãi.

Cũng nhắm đến những đối tượng dân cư sống ở vùng ven, hai cơ sở của siêu thị Thảo Nguyên ở Q.12 và Tân Phú là một trong những siêu thị được người dân quanh đây đánh giá là trang trí đẹp và cách sắp xếp hàng hóa rất chuyên nghiệp.

Sau hai năm, doanh số bán vượt hơn cả con số mong đợi. Ông Hồ Mộng Toàn, Giám đốc hệ thống Thảo Nguyên cho biết, chính sách của siêu thị là “bán lẻ theo giá sỉ”, vì vậy các mặt hàng ở đây hầu hết đều có giá bằng hoặc rẻ hơn các siêu thị bên ngoài.

“Chúng tôi đang hoạt động theo mô hình hỗn hợp: Một chút của Metro (bán sỉ), một chút của BigC (giảm giá, khuyến mãi) để đảm bảo có lợi nhất cho đối tượng người tiêu dùng mà chúng tôi đang nhắm tới”.

Do vậy, khoảng 30%-40% số lượng người đến Thảo Nguyên mua sắm là những tiệm tạp hóa mua về bán lẻ.

Hiện nay, ở thành phố xuất hiện rất nhiều siêu thị tư nhân khác với nhiều quy mô khác nhau, trong đó có những siêu thị đã phát triển thành hệ thống: Siêu thị Mini Thử và Tin (gần KCN Tân Bình), Plentyday (Âu Dương Lân, Q.8), Quang Đại (Nguyễn Tất Thành), siêu thị Bình An (Đinh Bộ Lĩnh), Skymart (Phú Mỹ Hưng)… chuyên bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho một nhóm dân cư khu vực lân cận với giá trung bình.

Diện tích của những siêu thị này khoảng 200-1.000m2, phục vụ từ 5000-10.000 mặt hàng các loại như: thực phẩm khô, hóa mỹ phẩm, giày dép, hàng gia dụng... Tuy nhỏ, nhưng hầu hết các siêu thị đều sắp xếp hàng hóa rất đẹp và khoa học, lối đi rộng rãi để lựa hàng, có máy lạnh, nhạc….

Lách giữa những ông lớn

Theo kinh nghiệm của những người kinh doanh, trong vòng 5 năm, doanh nghiệp vẫn còn phải lo lắng đến vấn đề tồn tại của mình. Trong khi, nhiều siêu thị tư nhân nhỏ ở TP.HCM có tuổi đời chưa đến 4 năm.

Chịu khá nhiều “thiệt thòi” so với những “đại gia lớn” trong làng siêu thị như Coopmart, Big C với doanh số mỗi tháng vài chục tỷ…, vì quy mô còn khá nhỏ nên lượng hàng mà các siêu thị dạng này tiêu thụ cho nhà sản xuất hay nhà phân phối độc quyền chưa nhiều theo yêu cầu.

Vì thế họ ít khi hưởng được những chương trình khuyến mãi, giảm giá hay quảng cáo từ đơn vị cung cấp hàng. Để có giá bán tốt nhất cho đối tượng phục vụ của mình, các doanh nghiệp nhỏ này phải luôn tự cân đối tài chính và tiết kiệm đủ các mặt như: Thu gọn bộ máy quản lý, số lượng nhân viên, giảm thiểu các chi phí phát sinh không cần thiết...

Do “tự lực cánh sinh”, hầu hết mỗi siêu thị có những cách tiết kiệm hoặc xoay đồng vốn của riêng mình.

Như Plentyday (Âu Dương Lân, Quận 8) tận dụng mặt bằng của gia đình để kinh doanh nên không tốn chi phí thuê mặt bằng và chỉ kinh doanh những mặt hàng được khách hàng ưa chuộng hoặc có nhu cầu thường xuyên, ông Phạm Đình Trình, chủ siêu thị chia sẻ.

Còn Titanmart với lợi thế mặt bằng rộng đã tận dụng cho một số đơn vị cho thuê lại để bán các mặt hàng mà siêu thị không kinh doanh như: Băng đĩa nhạc, đồng hồ, mắt kính, một số đồ điện tử…

Dù không được dồi dào về tài chính và đào tạo chuyên nghiệp nhưng trong khả năng của mình, các chủ doanh nghiệp cũng đã vạch ra hướng phát triển cho hệ thống của họ.

Thảo Nguyên đã mở thêm 1 chi nhánh ở Tân Phú, có tất cả 3 địa điểm bán hàng, Tianmart ngoài 2 cửa hàng ở Phạm Hùng (Q8), và Bình Chánh vừa mới khai trương chi nhánh ở Tiền Giang và dự định sẽ thêm 2 điểm mới ở khu vực TP.HCM trong năm tới…

Với mục tiêu đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của một bộ phận dân cư có mức thu nhập trung bình và thấp ở các vùng ven và nông thôn, qua đó, đẩy lùi các loại hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu theo như ý kiến của bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc BSA, các siệu thị tư nhân hiện nay cũng đang đóng góp vai trò không nhỏ tạo nên một kênh phân phối.

Theo Kim Phú
Vietnamnet

0 ý kiến:

Post a Comment

 
Top