Thị trường bán lẻ Việt được coi là miếng bánh ngon của các nhà đầu tư nội và ngoại, với sức chứa 90 triệu dân cùng các hiệp định hợp tác thương mại đã và sắp được ký kết như WTO, AFTA, ASEAN+, … Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn trong giai đoạn đầu dịch chuyển từ kênh phân phối “chợ” truyền thống sang các cửa hàng, nhà hàng, siêu thị bán lẻ. Việc ồ ạt mở các cửa hàng như hiện nay hứa hẹn những cơ hội kinh doanh mới, song cũng ẩn chứa nhiều rủi ro đầu tư về vốn.
Thị trường bán lẻ trải rộng khắp từ thành thị tới nông thôn, từ các cửa hàng, siêu thị lớn, chợ truyền thống đến các cửa hàng nhỏ, quán xá do hộ gia đình làm chủ. Do vậy, có nhiều nhà bán lẻ tham gia và không phải nhà bán lẻ nào cũng lớn, càng không phải lớn thì có thể đứng vững trong ngành. Trên thực tế, nhiều “đại gia” bán lẻ đã phải rời bỏ thị trường vì rót tiền nhầm chỗ, như chuỗi siêu thị điện máy WonderBuy đóng cửa cuối năm 2011 với mức lỗ tới 52 tỷ đồng sau chưa đầy một năm hoạt động, hay sự ra đi của Best Carings, Thế giới số 24G (thuộc Nguyễn Kim) và Home One trong năm 2013. Việc để 200 tỷ đồng “đội nón ra đi” và rời cuộc chơi trong nợ nần chồng chất của Home One khiến những nhà kinh doanh ngành điện máy nói riêng và ngành bán lẻ nói chung phải chột dạ.
Đầu tư vốn vào cửa hàng/nhà hàng/siêu thị bán lẻ cũng rủi ro giống như một canh bạc
Một cái kết khác của việc đầu tư sai lầm trong ngành thực phẩm là chuỗi các nhà hàng đồ nướng, lẩu Hàn, Nhật trên đường Điện Biên Phủ, các quán bún đậu mắm tôm đầu tư bài bản tại Tp. Hồ Chí Minh. Hệ quả là danh sách những nhà bán lẻ này phải vội đóng cửa khi chưa đầy một năm kinh doanh. Đầu tư vào mặt hàng không được người tiêu dùng ưa chuộng hoặc chỉ ưa chuộng nhất thời, hùa theo xu hướng không chỉ gây lãng phí đầu tư mà còn hàm chứa rủi ro mất vốn. Sự ưa chuộng này rất quan trọng trong kinh doanh, dựa theo quy luật cung – cầu, giá cả, thị hiếu, xu hướng, văn hóa vùng miền, thu nhập người tiêu dùng, đặc điểm nhóm khách hàng nhà bán lẻ hướng tới …
Một số nhà bán lẻ nắm bắt được mạch đập này và đã đầu tư thành công. Chuỗi cửa hàng Circle K trên đường Nguyễn Du (Tp. Hồ Chí Minh) là một ví dụ điển hình cho việc đầu tư khôn ngoan. Nhờ lợi thế cạnh tranh về giá; menu có các món ăn bình dân như bánh ngọt, bánh mì ốp la chỉ từ 11.000 – 15.000 đồng; cùng vị trí mặt bằng đắc địa và cách bài trí thân thiện, Circle K đã có hơn 50 cửa hàng trên toàn quốc chỉ sau 5 năm hạ cánh cứng ở Việt Nam. Việc cẩn trọng rót vốn và lên chiến lược kinh doanh ngay khi nhen nhóm ý định mở cửa hàng bán lẻ là vô cùng quan trọng nếu nhà bán lẻ không muốn “tiền mất tật mang”.
Trên thực tế, yếu điểm của các nhà bán lẻ Việt là đoạn vốn và chiến lược kinh doanh thường chỉ lên cho ngắn hạn. Ví dụ điển hình là hệ thống 500 cửa hàng G7 Mart – mô hình siêu thị kiểu mới của Trung Nguyên đã vụt “biến mất” trong hai năm gần đây. Tham vọng xây dựng 9.500 điểm bán lẻ với mức hỗ trợ 50 – 200 triệu đồng/điểm của Trung Nguyên nhanh chóng bị phá sản vì không kham nổi vấn đề tài chính. Trong khi đó, hệ thống 80.000 điểm phân phối của Masan hoặc 100.000 điểm bán lẻ của Unilever lúc đó lại ngày càng lớn mạnh. Trường vốn là lợi thế của những nhà bán lẻ ngoại, nó thường đi kèm với một chiến lược kinh doanh dài hạn. Những tên tuổi lớn như KFC từng phải chịu lỗ suốt 7 năm liền khi tham chiến vào thị trường Việt Nam, để cạnh tranh được với Lotteria, McDonald’s trước khi dẫn đầu với 60% thị phần thức ăn nhanh.
KFC và hệ thống cửa hàng rộng khắp Việt Nam
Bởi vậy, dự phòng vốn là nguyên tắc đầu tiên khi kinh doanh ngành hàng bán lẻ. Tùy từng quy mô vốn, mức dự phòng thường ở mức 20 – 50% tổng chi phí gây dựng cửa hàng nhằm bù đắp cho các chi phí duy trì, thậm chí bù lỗ trong thời gian đầu hoạt động, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn lưu động khi doanh thu không kịp xoay vòng. Điều này đồng thời cũng khiến nhà bán lẻ có thêm sức ép để đưa ra các chiến lược cải thiện kinh doanh và chạy đua với các đối thủ cạnh tranh.
Đối với các nhà bán lẻ nhỏ có mức vốn hạn chế, mỗi đồng vốn bỏ ra đều phải được cân nhắc cẩn trọng. Bởi nhóm cửa hàng này có thể “chết yểu” ngay khi đi sai một nước cờ “vốn”. “Hùn vốn” cũng là một cách tăng ngân sách vốn và giảm rủi ro hiệu quả nếu các nhà bán lẻ cùng chí hướng và đáng tin cậy. Tuy nhiên, “hùn vốn” lại hàm chứa những rủi ro khác. Đối phương hoàn toàn có thể rút vốn khi cửa hàng gặp khó khăn, bất đồng quan điểm trong cách quản lý hoặc “hất cẳng” nhà bán lẻ khi cửa hàng “ăn nên làm ra”. Dù trong trường hợp nào, tối ưu hóa lợi nhuận mỗi đồng vốn bỏ ra và tối thiểu hóa chi phí thu mua, bán hàng, giảm công nợ … là những điều nhà bán lẻ vừa và nhỏ cần phải làm nhằm giảm rủi ro vốn khi bắt đầu khởi nghiệp.
0 ý kiến:
Post a Comment