Ghé ngang qua một tiệm café khách ngồi kín chỗ, một nhà hàng nườm nượp người ra kẻ vào, một shop thời trang nhiều bạn trẻ ghét tới, ý muốn mở một nhà hàng hẳn đã nhen nhóm trong đầu bạn. Tuy nhiên, mở một cửa hàng bán lẻ không phải là chuyện “cứ thích thì làm”. Chân ướt chân ráo mở một cửa hàng bán lẻ giống như việc khởi nghiệp với một công ty Start-up. Lợi nhuận chưa thể đong đếm được, nhưng khó khăn thì đã bủa vây rất nhiều. Vì kinh doanh là trò chơi dài lâu với tiền, tâm và sức lực, bạn nên lường trước hết thảy những khó khăn sẽ phải đương đầu.

1/ Lựa chọn mặt hàng và đối tượng kinh doanh

Nên nhớ rằng, ngoài tiềm lực về vốn và con người, thì cái nhìn bao quát và phản ánh chính xác thị trường là yếu tố tiên quyết để thành công. Thị hiếu của người mua sẽ quyết định mặt hàng mà bạn muốn kinh doanh và nhóm khách hàng mà bạn cần hướng tới. Thời trang công sở, thời trang cho giới trẻ, đồ thể thao, giày dép hay phụ kiện; Đồ nướng, đồ lẩu, cơm văn phòng, món ăn dân tộc hay buffet; sữa, café, đồ gia dụng, điện máy, văn phòng phẩm hay đồ nội thất … đều cần phải cân nhắc dựa trên cung – cầu của thị trường.

Lựa chọn kinh doanh một mặt hàng mà thị trường đang dư cung thực sự là một sai lầm đáng tiếc. Giới kinh doanh ẩm thực Sài Gòn vẫn truyền nhau bài học đắt giá từ chuỗi nhà hàng Hàn Quốc và nhà hàng Nhật Bản trên đường Điện Biên Phủ, chuỗi bún đậu mắm tôm kiểu Bắc thi nhau mọc lên cách đây hơn một năm và nay đã sập tiệm gần hết. Một ví dụ khác phải kể đến đó là thất bại của Trung Nguyên khi rót tới 475 tỷ đồng vào chuỗi 10.000 siêu thị mini G7 Mart. Việc chen chân vào mảng phân phối hàng tiêu dùng mà các ông lớn như P&G, Unilever, Vina Acecook, Masan, Kinh Đô, … đang thông lĩnh thị trường đã khiến Trung Nguyên chưa kịp mang chuông đi gióng xứ người đã “ngã ngựa” trên sân nhà. Để kinh doanh thành công, khó khăn là nhiều hơn bạn tưởng.






2/ Vốn

Lời khuyên hữu ích khi bạn “tập tành” kinh doanh là: Hãy dự phòng. Nếu chi phí hạch toán để mở cửa hàng rơi vào khoảng100 triệu, số vốn bạn bỏ ra nên là 130 – 140 triệu. Tùy từng quy mô vốn, mức dự phòng cho vốn lưu động, chi phí duy trì và bù lỗ trong thời gian đầu hoạt động thường ở mức 20 – 50%. Điều này giúp bạn có thêm sức ép để cải thiện kinh doanh, cũng như có thể trang trải chi phí cho các tháng đầu bập bẹ vào nghề. Những tên tuổi lớn như KFC từng phải chịu lỗ suốt 7 năm liền khi tham chiến vào thị trường Việt Nam, để cạnh tranh được với Lotteria, McDonald’s trước khi dẫn đầu với 60% thị phần thức ăn nhanh.

Nếu số vốn vượt ra khỏi mức ngân sách của bạn, bạn có thể hợp tác với những người cùng chí hướng và đáng tin cậy. Nếu thua lỗ, rủi ro mà bạn phải gánh chịu sẽ bớt đi một nửa. Tuy nhiên, chả ai kinh doanh mà nghĩ tới thất bại cả. Trong trường hợp cửa hàng “ăn nên làm ra” thì bạn cũng đừng vội mừng, chuyện đối tác hùn vốn kinh doanh “hất cẳng” bạn khỏi cuộc chơi hoặc gây xích mích khiến bạn phải tự ra đi hoàn toàn có thể xảy ra.


3/ Nguồn hàng cung ứng

Nguyên vật liệu đối với các nhà hàng, tiệm café hoặc sản phẩm phân phối trực tiếp tại các shop thời trang, siêu thị mini, cửa hàng điện máy … sẽ quyết định năng lực cung ứng của bạn trên thị trường. Tuy nhiên, một nguồn cung có chất lượng phải dựa trên 2 tiêu chí, là giá và chất lượng. Giá không nhất thiết phải “hạt rẻ” mà nên “tốt” tương xứng với chất lượng của hàng hóa và ổn định theo thời gian. Chất lượng không chỉ đảm bảo giá trị bên trong mà còn phải đáp ứng nhu cầu thị hiếu, mẫu mã, kiểu dáng, xu hướng của thị trường. Người tiêu dùng ngày càng thông minh, bạn sẽ chẳng thể “móc túi” người mua dài lâu bằng những chiêu trò đánh tráo sản phẩm kém chất lượng. Đa dạng hóa nhà cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa là cách tốt nhất để bạn có lựa chọn tối ưu về giá, chất lượng và số lượng.


4/ Địa điểm kinh doanh







Đối với các cửa hàng bán lẻ, địa điểm là yếu tố vô cùng quan trọng. Tiêu chí khi chọn địa điểm là làm sao có thể tiếp thị tới mắt nhìn người mua một cách nhanh nhất và nhiều nhất. Một cửa hàng dựng lên chốn đông người, tập trung nhiều dân cư, có mặt tiền thoáng hoặc có nhiều mặt tiền, trên đường 2 chiều, trên con phố chuyên kinh doanh mặt hàng đó … chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế hơn. Tuy nhiên, địa điểm thỏa mãn các yếu tố đó cũng cần hài hòa với giá thuê mặt bằng dài hạn. Ngoài ra, nếu chọn địa điểm kinh doanh thiếu sân để xe, việc lấn chiếm vỉa hè là khó tránh khỏi. Vì vậy, “làm thân” với đội trật tự đô thị phường/quận cũng là vấn đề bạn nên xem xét.


5/ Thời điểm bắt đầu kinh doanh

Đối với mặt hàng có thể kinh doanh 4 mùa, thời điểm không phải là yếu tố đáng “lăn tăn”. Tuy nhiên, nếu mặt hàng kinh doanh bạn nhắm tới có tình mùa vụ, thì đây lại là việc không thể vội vàng. “Đầu xuôi thì đuôi mới lọt”, hẳn bạn sẽ không muốn kinh doanh đồ nướng vào mùa hè, thức uống lạnh vào mùa đông hoặc quần áo vào mùa xuân. Nếu địa lợi, nhân hòa đã sẵn sàng, lựa chọn đúng thời điểm bắt đầu kinh doanh chính là thiên thời bạn cần có. Đối với các cửa hàng có tính thời vụ, bạn nên mở vào đầu mùa vụ, chẳng hạn như đầu tháng 4 dương lịch đối với các mặt hàng được ưa chuộng của mùa hè; hoặc đầu tháng 10 đối với các mặt hàng của mùa đông. Riêng các shop thời trang, nên tránh dịp đầu năm do sức mua thường yếu, các đối thủ đứng lâu trong nghề thi nhau “Sale-off”, hoặc mẫu mã mới chưa kịp cập nhập và sản xuất.


6/ Xây dựng thương hiệu







Thương hiệu nghe có vẻ “xa xỉ” nếu bạn chỉ định kinh doanh nhỏ, nhưng sẽ là cụm từ khiến bạn trằn trọc suy nghĩ nhiều nhất nếu bạn muốn cửa hàng của mình tồn tại dài lâu. Thương hiệu đến từ cách bạn trang trí cửa hàng, những bản nhạc hợp gu khách đến, chất lượng sản phẩm, phong cách cửa hàng, chính sách giá, dịch vụ bán hàng, chăm sóc khách hàng và hậu mãi. Là kẻ chân ướt chân ráo vào nghề, bạn nên nghĩ tới kế hoạch marketing online/offline và xây dựng thương hiệu bởi việc cạnh tranh bước đầu và cạnh tranh dài hạn với những đối thủ dày dặn kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực là không hề ngọt ngào.


7/ Quản lý bán hàng và nhân sự

Đặt trong bối cảnh ngành kinh doanh bán lẻ ở Việt Nam đang có nhiều xáo trộn do sức ép từ khủng hoảng kinh tế, một mô hình quản lý chặt chẽ và chính xác qua những con số là vô cùng cần thiết. Quản lý và đưa ra những chiến lược phát triển dựa trên cảm tính là điều cấm kị đối với một nhà bán lẻ. Trên thực tế, có khá nhiều cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam bị thua lỗ hoặc sớm đóng cửa vì năng lực quản lý yếu kém.

Vậy nên để quản lý một hoặc chuỗi cửa hàng bán lẻ thì bạn cần nâng cao năng lực quản lý, xây dựng các quy trình quản lý bán hàng, quy trình kiểm kê, quy trình chăm sóc khách hàng. Các nghiệp vụ quản lý chi tiết như bán hàng, xuất – nhập kho, mua – bán nguyên vật liệu, quản lý ca làm và sự trung thực của nhân viên, quản lý hàng tồn, hàng sắp hết, hàng mới về, lợi nhuận, doanh thu, quản lý thông tin khách hàng cũ, chăm sóc khách hàng tiềm năng … đều phải được vận hành một cách trơn tru mà không có sai sót. Từ đó, dựa trên những báo cáo thống kê chi tiết, bạn có thể điều chỉnh hướng kinh doanh phù hợp với thị trường, cũng như tối đa hóa lợi nhuận của cửa hàng.

Trong thời buổi “của khó người khôn” như hiện nay, mỗi lĩnh vực kinh doanh đều hàm chứa nhiều khó khăn do thị trường ngày càng bị chia nhỏ. Một cửa hàng mới mở có thể thu hút khách hàng bằng sự mới lạ của mình, song vẫn có thể bị đối thủ cũ và mới hất cẳng khỏi ngành chỉ trong chớp mắt. Những khó khăn kể trên là yếu tố cần và đủ mà bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mở cửa hàng. Một khi có độ lệch giữa cán cân cung – cầu thì sự cạnh tranh đơn thuần sẽ nhanh chóng biến thành cuộc chiến khốc liệt để sinh tồn.

0 ý kiến:

Post a Comment

 
Top