Một bài viết từ năm 2011. Khá lâu, nhưng các nhà quản lý cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini sẽ học được gì? Xin chia sẻ các bạn đọc của Blog Cửa hàng trưởng.
---------------
Chuỗi cửa hàng tiện lợi chỉ có thể thành công khi gia tăng được độ bao phủ của kênh phân phối và tạo sự khác biệt trong sản phẩm”, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Left Brain Connectors, nhận định.
Nội, ngoại đều đua
Ngày 11.5, hãng tin Reuters cho hay chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ 3 của Nhật, FamilyMart, đã công bố kế hoạch phủ kín thị trường Trung Quốc vào tháng 2.2021 với 8.000 cửa hàng tiện lợi, con số quá lớn so với 600 cửa hàng hiện nay. Liên doanh với FamilyMart là Hsin International Ting, tập đoàn chế biến thực phẩm lớn nhất Trung Quốc. Tập đoàn này sẽ giảm cổ phần từ 59,65% xuống 50,5% và tất nhiên FamilyMart sẽ nắm lấy số cổ phần này để bành trướng.
Thương hiệu cửa hàng tiện lợi của Nhật đặt tham vọng đạt 29.000 cửa hàng tại thị trường nước ngoài vào năm 2020. Và Việt Nam, với hơn 86 triệu dân, cũng là một thị trường tiềm năng mà FamilyMart đưa vào tầm ngắm.
Mới đây, Tập đoàn Itochu, một trong các cổ đông chiến lược từ Nhật của FamilyMart, đã ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Phú Thái trong lĩnh vực phân phối thực phẩm tại Việt Nam. Hai bên sẽ thành lập Công ty Phân phối Thực phẩm Phú Thái với số vốn khoảng 4,2 triệu USD, trong đó Itochu tham gia 15%. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, cho biết mục đích chính của sự hợp tác này là phát triển thêm 16 cửa hàng FamilyMart tại TP.HCM trong năm 2011, nâng tổng số cửa hàng lên 20. Đây là một bước chuẩn bị cho kế hoạch mở 300 cửa hàng FamilyMart tại Việt Nam trong 3-5 năm tới.
Tháng 12.2010, một thương hiệu bán lẻ khác của Nhật là Ministop thuộc Tập đoàn Aeon, cũng tiến vào Việt Nam. Ministop đã thỏa thuận thành lập công ty liên doanh với chuỗi cửa hàng tiện lợi G7 Mart của Tập đoàn Trung Nguyên. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Trung Nguyên, dự kiến triển khai chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là năm 2011, tổng vốn đầu tư dự kiến 10 triệu USD; G7 Mart chiếm 75% và Ministop nắm giữ phần còn lại. Giai đoạn 2 là đầu tư thêm 5 triệu USD và mục tiêu là mở 100 cửa hàng tiện lợi mỗi năm. Tuy nhiên, kế hoạch khai trương cửa hàng Ministop đầu tiên trong tháng 5.2011 tại TP.HCM có vẻ như đang bị trì hoãn. Trong khi đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi G7 Mart, sau khi xuất hiện trên thị trường vào năm 2006, đã thu hẹp dần. Nguyên nhân được ông Vũ thừa nhận nằm ở công nghệ quản trị và dịch vụ hậu cần.
Không muốn để mất cơ hội phát triển, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gia tăng độ bao phủ cửa hàng tiện lợi tại các thành phố lớn.
Ngày 19.5, Saigon Co.op khai trương cửa hàng Co.op Food thứ 18 tại Khu Chế xuất Linh Trung, TP.HCM. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, phụ trách chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.opFood, cho biết kết quả khảo sát mới đây của Công ty cho thấy hơn 80% người nội trợ tại TP.HCM lựa chọn mô hình này cho nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sống hằng ngày. Vì vậy, Saigon Co.op đặt mục tiêu mở 120 cửa hàng Co.opFood vào cuối năm 2012.
Một thương hiệu trong nước khác là Satra cũng đầu tư vào mô hình này với 3 cửa hàng SatraFoods được khai trương cùng lúc tại TP.HCM hồi tuần qua. Vốn đầu tư cho mỗi cửa hàng vào khoảng 1,5 tỉ đồng. Theo kế hoạch, SatraFoods sẽ có 10 cửa hàng trong năm nay.
Chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn thương hiệu, ông Việt Anh, Công ty Left Brain Connectors, nhận định: “Tôi cho rằng mô hình Co.opFood và SatraFoods tương đối thành công vì đã vượt ra ngoài khuôn khổ của cửa hàng tiện lợi thông thường, tức chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm hằng ngày của người dân với hành vi mua sắm tiện lợi. Còn nếu chỉ cần mua một gói mì ăn liền, tôi sẽ muốn đến tiệm tạp hóa gần nhà hơn”.
Cái giá của sự khác biệt
Các chuyên gia ngành bán lẻ cho rằng, 2 yếu tố mấu chốt của mô hình cửa hàng tiện lợi là vị trí điểm bán và sức mua. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn ảnh hưởng đến mức độ thành công là quy mô của chuỗi. Vì phải có độ bao phủ lớn, doanh nghiệp mới có tiếng nói đủ mạnh để đàm phán giá tốt nhất với bên cung ứng hàng hóa. Thông thường, lợi nhuận từ mô hình này không nhiều. “Một chuỗi bán lẻ như vậy có thể hòa vốn khi đạt đến quy mô 30 cửa hàng tiện lợi. Ở Việt Nam, chưa có doanh nghiệp nào làm được, trừ Shop & Go”, ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn Robenny (Canada), cho biết
Tuần qua, Shop & Go đã khai trương cửa hàng tiện lợi thứ 47 tại TP.HCM. Chiến lược của Shop & Go được thực hiện bằng 2 cách: hợp tác với các hộ cá thể nâng cấp tiệm tạp hóa của họ hoặc tự kiếm mặt bằng và đầu tư từ A-Z.
Tháng 6.2009, Công ty Vòng Tròn Đỏ, đơn vị mua nhượng quyền thương hiệu Circle K của Mỹ, đã mở cửa hàng tiện lợi đầu tiên tại quận 1, TP.HCM. Một đại diện Công ty (đề nghị không nêu tên) cho biết, chuỗi Circle K tại TP.HCM dự kiến đạt 100 cửa hàng trong năm 2011. Mục tiêu của doanh nghiệp này là mở 550 cửa hàng tại 20 tỉnh thành vào năm 2015, thông qua nhượng quyền cho các đơn vị trong nước.
Ngoài quy mô, việc sở hữu những sản phẩm riêng biệt cũng là một yếu tố thuận lợi để các chuỗi cửa hàng tiện lợi tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, điển hình là trường hợp của Co.opFood và SatraFoods.
Giới bán lẻ cho rằng, đây là hình thức cửa hàng tiện lợi cải tiến nhắm đúng vào nhu cầu về thực phẩm tươi sống của người dân. Co.opFood còn có thuận lợi lớn là cùng nhà với hệ thống siêu thị Co.opMart, có thể chọn giới thiệu trong số hơn 150 sản phẩm riêng biệt của thương hiệu này tại cửa hàng. “Nếu bán không hết, Co.opFood có thể chuyển ngược lại cho Co.opMart bán”, ông Robert Trần nói.
Kết quả khảo sát mới nhất của Công ty Nghiên cứu Thị trường Nielsen cho thấy, Saigon Co.op dẫn đầu về tỉ lệ người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm do chính đơn vị này làm ra, hoặc phối hợp sản xuất độc quyền (28%). Hiện nay, ở Việt Nam cứ 4 sản phẩm bày bán tại siêu thị thì có 1 là của nhà bán lẻ và tỉ lệ này dự kiến sẽ là 2:1 sau 5 năm nữa.
Một doanh nhân Việt Nam có tiếng trong lĩnh vực nhượng quyền bán lẻ (đề nghị không nêu tên) nói rằng, việc thay đổi tập quán mua sắm chuyển từ tiệm tạp hóa sang cửa hàng tiện lợi là điều hoàn toàn không đơn giản đối với người Việt Nam, nếu mô hình kinh doanh này không tạo nên được sự khác biệt. Thất bại của G7 Mart là một minh chứng, một bài học cho người trong cuộc cũng như các thương hiệu cửa hàng tiện lợi mới từ nước ngoài như 7-Eleven.
Tháng 4.2011, hãng tin Bloomberg cho hay, CP All, công ty quản lý chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Thái Lan, có kế hoạch bán hợp đồng nhượng quyền tại Việt Nam để mở một loạt cửa hàng 7-Eleven. CP All dự kiến tăng lợi nhuận ít nhất 15% mỗi năm bằng chiến lược phát triển các chuỗi cửa hàng tại Trung Quốc, Lào, Myanmar, Việt Nam và Campuchia. 7-Eleven là chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn thứ 3 thế giới, với khoảng 6.000 cửa hàng chỉ riêng tại Thái Lan.
Tác giả Vĩnh Bảo NCĐT

0 ý kiến:

Post a Comment

 
Top