Giới thiệu
Cơm Tấm từ lâu đã rất gần gũi với người Việt Nam và bao đời nay đã là nét riêng độc đáo trong ẩm thực Việt Nam. Nhắc đến cơm Tấm là thực khách lại nhớ ngay tới những đĩa cơm Tấm hạt rời, dìu dịu mùi gạo ăn cùng với hương vị béo ngậy, thơm nức của thịt nướng hay những miếng sườn thơm lựng… cùng thứ nước chấm đặc sánh mà như giục lòng du khách đến Sài Gòn để một lần thưởng thức. Cơm tấm có đặc điểm là rất dễ ăn, có thể ăn sáng, trưa hoặc tối. Cơm tấm có thể ăn kèm với các thức ăn như: thịt nướng, sườn nướng, bì, chả… tạo nên nhiều lựa chọn cho thực khách. Việc kinh doanh quán cơm Tấm có thể là một lựa chọn sáng suốt của bạn.
Điều kiện khởi nghiệp
- Vốn
Tùy khu vực, nếu bạn khởi nghiệp tại các khu vực trung tâm thành phố thì vốn đầu tư ban đầu: từ 100 triệu trở lên, vốn đầu tư sẽ trang trải các chi phí:
+ Tiền đặt cọc thuê mặt bằng và tiền thuê mặt bằng tháng đầu tiên;
+ Chi phí sửa chữa mặt bằng và mua sắm bàn ghế, dụng cụ và trang trí quán;
+ Dự phòng chi phí hoạt động cho 3 tháng đầu tiên
- Con người
+ Tuyển người: nếu quy mô nhỏ, bạn cân nhắc việc thuê nhân viên vừa đủ, tránh có chi phí lớn trong giai đoạn đầu. Trong giai đoạn đầu, cần có các vị trí: nấu cơm, nướng thịt, nấu và chế biến thức ăn và trang trí món ăn, phục vụ, rửa chén, thu ngân. Trong đó, đầu bếp đóng vai trò hết sức quan trọng, cần tuyển người nấu ngon và có tâm huyết với nghề, đặc biệt là kỹ thuật ướp và nướng thịt.
+ Quản lý: ban đầu bạn nên là người quản lý để nắm rõ tình hình hoạt động của quán, để có những điều chỉnh thích hợp về khẩu vị, giá bán, dịch vụ…, khi quán đi vào hoạt động ổn định, bạn có thể tuyển Quản lý để thực hiện theo đúng những việc bạn đã thực hiện hiệu quả trước đây.
- Pháp lý: sau khi đã thuê mặt bằng, bạn có thể đến phường, xã nơi bạn dự định mở quán để đăng ký giấy phép kinh doanh. Với hình thức cơ sở kinh doanh bạn sẽ đóng thuế khoán (Cơ quan thuế sẽ đến thu)
- Lợi thế
+ Nếu bạn có năng khiếu về nấu ăn thì việc kinh doanh quán cơm Tấm sẽ gặp nhiều thuận lợi. Việc thuê đầu bếp cần phải kỹ lưỡng, vì nó quyết định sự thành bại của bạn.
+ Địa điểm kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng khi mở quán, nó quyết định giá bán, số lượng khách hàng có thể đạt đến, cơm Tấm thường chọn những nơi gần khu vực công sở, trường học, công ty.
Yêu cầu chuyên môn
- Lập kế hoạch kinh doanh:
+ Nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh tại khu vực mình sắp kinh doanh. Từ đó, lựa chọn khách hàng mục tiêu để lên kế hoạch kinh doanh cụ thể.
+ Đưa ra sự khác biệt quán cơm Tấm của bạn, chọn địa điểm kinh doanh, giá bán
+ Lập kế hoạch về marketing (băng rôn, tờ rơi, quảng cáo), kế hoạch tuyển dụng nhân viên và phương án quản lý kinh doanh chi tiết (quản lý nguyên vật liệu đầu vào, quản lý thu ngân, điều hành nhân viên)...
+ Lập kế hoạch doanh thu, chi phí, lợi nhuận cho từng tháng, dự trù kinh doanh lỗ trong 3 tháng đầu tiên.
- Kiến thức, kỹ năng chuyên môn
+ Bạn nên am hiểu về ẩm thực, đặc biệt nghiên cứu kỹ về cơm Tấm;
+ Về mặt kỹ thuật, cơm Tấm dễ nấu hơn các món khác, chủ yếu làm tốt các món nướng và nước chấm.
+ Thông thường, các quán cơm Tấm đưa các bếp nướng ra bên ngoài, nhằm thu hút khách hàng từ mùi thơm của thịt nướng. Do đó, kỹ thuật ướp và nướng thịt là hết sức quan trọng. Thịt nướng làm sao vừa mềm, vừa thơm, có vị đậm đà.
+ Nấu cơm và hạt gạo cũng khá quan trọng, hạt cơm phải rời, thơm.
Kinh nghiệm
Kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực, quản lý nhà hàng, quán ăn... sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong quá trình khởi nghiệp.
Bí quyết gia truyền
Đây là yếu tố không phải ai muốn cũng có thể có, tốt nhất là các bạn tự nghiên cứu, học hỏi từ những người đi trước hoặc lắng nghe những nhà tư vấn.
- Học hỏi từ các mô hình kinh doanh cơm Tấm thành công như: Cơm Tấm Kiều Giang, Cơm Tấm Thuận Kiều, Cơm Tấm Sài Gòn,…
- Có thể học nghề từ các Thầy có kinh nghiệm nấu cơm tấm
0 ý kiến:
Post a Comment