"Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác. Nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, chỉ có các nhà đầu tư chiến lược, bài bản, có tầm nhìn xa mới nhận thấy. Không có cửa cho nhà đầu tư chụp giật, tham bát bỏ mâm, không chú trọng xây dựng thương hiệu" - ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định.
Trả lời phỏng vấn của Motthegioi.vn, ông Vũ Vinh Phú cho biết trong khi các thương hiệu bán lẻ nước ngoài như Big C, Metro, Lotte tiếp tục mở rộng hệ thống tại Việt Nam thì các nhà bán lẻ trong nước như Vinatext, Co.opmart cũng không chịu kém cạnh về đầu tư, phát triển hệ thống của mình.
Vậy xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini tại các thành phố lớn cũng là một biểu hiện về tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam?
Thực ra siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đã xuất hiện ở nhiều nước châu Á. Tại Việt Nam, mô hình bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng lâu nay chính là những chợ cóc, tiệm tạp hóa ở các khu dân cư.
Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cũng đi theo mô hình đó nhưng văn minh hơn, hàng hóa đa dạng hơn, được nhiều người tiêu dùng cũng đón nhận nên đây là một hướng đi rất tốt cho nhà đầu tư nào muốn tham gia thị trường bán lẻ mà không đủ tiềm lực vốn.
Nếu muốn mở một siêu thị có mặt bằng chừng 10.000 m2, vốn bỏ ra có khi lên tới hàng chục triệu USD. Do đó xu hướng phát triển cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini là tất yếu. Nhưng ở Việt Nam, sự xuất hiện của hệ thống bán lẻ kiểu này mới trong giai đoạn tự phát.
Thế nhưng hiện có không ít nhà đầu tư nước ngoài đã có hệ thống siêu thị lớn cũng bắt đầu đầu tư vào mô hình này?
Tất nhiên! Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư nước ngoài rất thông minh. Họ nhận ra ưu thế của loại siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi là có thể tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, chi phí đầu tư không lớn và thu hồi vốn nhanh. Một thị phần hấp dẫn như thế chắc chắn họ sẽ không bỏ qua.
Vậy theo ông, có điều gì cần phải lưu ý gì về mô hình bán lẻ mới này tại Việt Nam?
Một mặt nên khuyến khích phát triển, một mặt cần phải quản lý tốt hơn. Bởi hiện nay loại cửa hàng này phần lớn do tư nhân mở nên đầu vào hàng hóa, giá cả, trách nhiệm với hàng hóa, trách nhiệm với người tiêu dùng, quản lý thuế…. vẫn chưa chặt chẽ.
Bộ Công Thương đã có Quy chế 1371 về quản lý siêu thị và trung tâm thương mại nhưng cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini vẫn nằm ngoài danh mục quản lý.
Hiện nay, siêu thị chỉ chiếm 12% thị phần bán lẻ. Còn 88% nữa vẫn cần phải được quản lý để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và nguồn thu ngân sách.
Tuấn Ngọc (thực hiện)
0 ý kiến:
Post a Comment