Kinh doanh cửa hàng tiện lợi: DN nội “chen chân” cách nào ?

    (DĐDN) -  Việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào kinh doanh cửa hàng tiện lợi (vốn đầu tư nước ngoài) nhằm đón đầu cơ hội từ các hiệp định AFTA, ASEAN+… sẽ được ký kết trong thời gian tới đang đe dọa các DN nội trên địa bàn TP HCM trong cuộc cạnh tranh thị phần bán lẻ vốn đầy khốc liệt.


    Khi đầu tư vào cửa hàng tiện lợi, nhiều DN nước ngoài xác định đây là 
    chiến lược đầu tư trung và dài hạn nên sẵn sàng chấp nhận chịu lỗ từ 4-6 năm.
    Thống kê của Cty Nielsen cho thấy, hiện tại, TP HCM có hơn 500 cửa hàng tiện lợi, trong đó, chỉ 40% là các cửa hàng của DN nội, còn lại là do các tập đoàn nước ngoài đầu tư. Điều đáng nói là các DN ngoại khi đầu tư cửa hàng tiện lợi thường nhắm tới những vị trí đắc địa ở khu vực trung tâm TP mặc dù giá thuê mặt bằng không hề rẻ chút nào. Diện tích tối thiểu đáp ứng hình thành cửa hàng tiện lợi thường từ 60m2 trở lên, với giá thuê mặt bằng hàng ngàn USD/tháng thì số vốn đầu tư cho hệ thống cửa hàng tiện lợi không hề nhỏ chút nào.
    Cảnh báo không sớm
    Cửa hàng Circle K trên đường Nguyễn Du, Q.1 là một điển hình. Các món ăn ở đây như bánh mì ốp la, bánh ngọt… được bán với giá bình dân, chỉ từ 11.000 đồng- 13.000 đồng/phần. Nhờ lợi thế cạnh tranh về giá cùng với vị trí mặt bằng đắc địa nên chỉ sau 5 năm có mặt ở VN, Circle K đã có hơn 50 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó tại TP HCM chiếm 70% số lượng cửa hàng của hệ thống. Và con số 550 cửa hàng tiện lợi nằm trong mục tiêu của Circle K vào năm 2018.
    Hay như thương hiệu bán lẻ của Nhật FamilyMart, sau khi rút khỏi thị trường TP HCM một thời gian đã bất ngờ trở lại vào cuối tháng 7/2013 với việc mở 20 cửa hàng tiện lợi tại TP ngay trong năm 2013. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi vì theo chia sẻ của Đại diện Cty TNHH Cửa hàng Tiện lợi Gia đình Việt Nam, đơn vị sở hữu của hàng tiện lợi FamilyMart: Không có lý do gì để rút lui khỏi một thị trường bán lẻ tiềm năng như TP HCM.
    Ông Văn Đức Mười - TGĐ Cty Vissan cho rằng: Thị trường bán lẻ của TP HCM nói chung còn khá mới và đang có xu hướng chuyển từ kênh chợ truyền thống sang kênh bán hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Điều đó hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của đô thị. Với một thị trường gần 10 triệu dân đang được coi là mảnh đất tiềm năng đối với bán lẻ.
    Các kênh phân phối, bán lẻ của DN nội cần phải vươn rộng đến các khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...
    Cũng theo ông Mười, nhà đầu tư ngoại là những người đi tiên phong với khá nhiều lợi thế: Không chỉ có công nghệ quản trị mới, số vốn đầu tư hùng mạnh có thể đảm bảo cho đầu tư dài hạn mà còn là những tập đoàn bán lẻ dày kinh nghiệm. Trong khi đó, hệ thống các cửa hàng bán lẻ hiện nay của các DN nội thiếu chuyên nghiệp. Có chăng, chúng ta chỉ có lợi thế duy nhất đó là hiểu thị trường nội địa và người dân vẫn luôn đề cao tính dân tộc nên ưu tiên dùng hàng Việt. “Nói thế để thấy rằng, hai lợi thế này chỉ giúp DN nội có thể ổn định thị trường trong thời gian ngắn, còn về lâu dài, nếu không biết cân đối chắc chắn DN nội sẽ chào thua ngay trên sân nhà” - ông Mười cảnh báo.
    Tránh đối đầu trực tiếp ?
    Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng VN chất lượng cao: DN nội đa số không trường vốn nên rất khó chịu được chi phí dài hơn trong phát triển chuỗi. Đặc biệt là thiếu khả năng quản lý kênh phân phối vốn được coi là linh hoạt và đa dạng. Vì vậy, nên tránh đối đầu trực tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài bằng việc phát triển theo thị trường ngách, áp dụng triệt để những mô hình kinh doanh phù hợp với văn hóa tiêu dùng của người Việt như: đẩy mạnh chiến lược mở rộng chuỗi bằng cách hợp tác đầu tư và hỗ trợ các hộ gia đình nâng cấp mặt bằng sẵn có và đào tạo kỹ năng quản lý. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp trước mắt cần làm.
    Còn về lâu dài, các kênh phân phối, bán lẻ của DN nội cần phải vươn rộng đến các khu dân cưkhu công nghiệpkhu chế xuất để tạo thành mạng lưới đủ lớn và tận dụng tối đa lợi thế về quy mô để có chi phí cạnh tranh. Các DN phát triển chuỗi khi đủ độ lớn nhất định, một mặt sẽ thâu tóm các điểm bán thuận lợi, bên cạnh đó sẽ áp lực lên các kênh tạp hóa giúp chuyển những kênh này sang mô hình kinh doanh tiện lợi.
    Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op:
    Đối với các hiệp định AFTA, các cơ quan nhà nước cần quyết liệt trong việc công bố thông tin. TP HCM cần có các đánh giá, khảo sát thật chi tiết và các kịch bản xử lý những tình huống xấu xảy ra của từng ngành hàng để cung cấp cho các DN ứng phó. Đồng thời, cần xây dựng các chuỗi cung ứng vững mạnh, có  nguồn gốc rõ ràng, định chế về truy xuất nguồn gốc để kiểm soát chặt nguồn cung ứng, không chỉ có các DN tự làm mà nhà nước cũng cần bắt tay tham gia trong việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn.
    Ông Trần Văn Hùng - PGĐ Cty TNHH TM-DV Kỳ Hương:
    Khi đầu tư vào cửa hàng tiện lợi, nhiều DN nước ngoài xác định đây là chiến lược đầu tư trung và dài hạn nên sẵn sàng chấp nhận chịu lỗ từ 4-6 năm. Trong khi đó, nhiều DN nội lại coi các cửa hàng tiện lợi thuộc dạng ngắn hạn. Chính sự khác biệt về quan điểm đầu tư này đã khiến cho DN nội mất sức cạnh tranh, vì chỉ tính riêng về yếu tố rủi ro, đầu tư dài hạn luôn có lợi thế hơn so với ngắn hạn, chưa kể tới cách làm, DN nội đã thua DN ngoại ngay từ trong cách nghĩ, cách tư duy.
    Nguyễn Thành

    0 ý kiến:

    Post a Comment

     
    Top