"Cửa hàng và không gian chinh phục khách hàng”, vậy làm sao trưng bày hàng hóa để cửa hàng hiệu quả nhất. Trong loạt bài viết này sẽ hướng dẫn và chia sẻ các kinh nghiệm về trưng bày hàng hoá, sao cho một cửa hàng thật sự là nơi dành riêng cho khách hàng, là nơi để khách hàng thoải mái, thích thú và sẵn sàng mua hàng hoá.

Năm cái đúng:

- Bán hàng đòi hỏi năm cái đúng: đúng hàng; đúng giá; đúng chất lượng; đúng chỗ và đúng thời điểm.


- Bán hàng là một cách tiếp thị. Nó đòi hỏi năm cái đúng: đúng hàng; đúng giá; đúng chất lượng; đúng chỗ và đúng thời điểm. Trưng bày hàng hoá bao gồm tất cả những yếu tố ảnh hưởng đến thị giác của cửa hàng và hàng hoá. Nói một cách rộng, nó bao gồm: thiết kế của cửa hàng; trưng bày tại cửa sổ; trưng bày bên trong; vật dụng hỗ trợ việc trưng bày (kệ, tủ, móc …); cách sắp xếp hàng hoá… kết hợp với nhau tạo nên cá tính của cửa hàng.
Một ví dụ:

- Trưng bày hàng hoá xác định và hấp dẫn một nhóm khách hàng mục tiêu chứ không phải bất kỳ ai. Cùng với không khí của cửa hàng (ánh sáng, nhạc, mùi thơm…), việc trưng bày hàng hoá mang lại sức sống và linh hồn cho cửa hàng.

- Bạn sẽ nhìn thấy gì trong cửa hàng áo thun Lacoste danh tiếng thế giới này? Nó chỉ có áo thun của một hãng duy nhất (đúng hàng), việc đúng giá và đúng chất lượng được tuân thủ. Cửa hàng nằm trong một trung tâm thương mại cao cấp vì nhóm khách hàng nó nhắm đến là những người có thu nhập khá trở lên. Điểm quan trọng nhất trong cửa hàng này, là không gian và sắc màu làm sao dịu ngọt và thân thiện nhất để mọi người không thấy ngại khi bước vô xem.
 
Phân loại hàng hóa:

- Việc đầu tiên cần làm cho quá trình trưng bày hàng hoá là… phân loại hàng hoá. Chính vì nghĩ rằng hàng của mình thì mình đã biết rất rõ trong đầu có bao nhiêu loại, nên thông thường, các cửa hàng tại Việt Nam thường để hàng hoá… loạn xị. Tôi còn nhớ như in cái cảnh mình vào một trung tâm mua sắm thật to của Hà Nội, đứng lựa… nội y nam. 
- Lúi húi lựa chọn, thế nào lại tông ngay vào một cô gái rất xinh cũng đang lựa… nội y nữ. Hai gương mặt đỏ như gấc và đồng loạt… bỏ của chạy lấy người. 
- Tất nhiên là chủ cửa hàng đã không bán được hàng vào lúc đó, mà sau này, chắc cả hai đứa tôi, và những đứa bạn từng nghe câu chuyện này, đều chẳng thể dám ghé lại. Chính vì thế, đừng… lười, hãy bắt đầu phân loại hàng hoá đi thôi. 
Hai việc đầu tiên cần làm: 

- Nhóm các sản phẩm có công dụng hoặc tính chất riêng biệt lại với nhau.
 
- Nhóm những sản phẩm giống hoặc có liên hệ lại với nhau để khách hàng dễ tìm, nhưng chú ý về mặt… giới tính của đối tượng và những sản phẩm nhạy cảm.
 
- Một cách dễ hiểu nhất thì phân loại hàng tức là nhóm các sản phẩm dựa vào tính chất hay công dụng của sản phẩm, ví dụ như áo khoác, sơmi, váy, áo thun…
 

- Cách khác, quy mô hơn và tất nhiên là khó hơn, thì hãy phân loại hàng có thể hiểu là chia nhóm các sản phẩm của cửa hàng hay trung tâm mua sắm theo thói quen mua sắm của khách hàng.

- Bây giờ, hãy viết lại vào giấy những ý tưởng mà bạn đã phân loại. Sau đó đi… dạo một vòng những trung tâm thương mại, để thấy công thức phân loại của mình đã tốt nhất chưa và mình có phải bắt tay vào… làm lại từ đầu không?
 
Thiết kế và phân khu:

- Sau khi phân loại sản phẩm, thiết kế và phân khu là việc kế tiếp phải làm. Thiết kế và phân khu bao gồm đặt những nhóm sản phẩm giống hoặc có liên hệ lại với nhau theo một cách dễ hiểu và theo hướng di chuyển trong cửa hàng có logic, giúp khách hàng dễ dàng định vị được sản phẩm họ muốn mua ở đâu trong cửa hàng/trung tâm mua sắm. Thật ra, lúc nào trong đầu khách hàng cũng có những liên tưởng đặc biệt của họ. Chẳng hạn, khi nhìn thấy một cái bóng đèn, thì họ sẽ nghĩ đây là khu vực: bán đồ điện gia đình, bán các thiết bị chiếu sáng, thậm chí, trong cuộc điều tra của SGTT, có người còn nói họ nghĩ ngay đến việc đây là khu vực bán đồ dành cho… đàn ông.

- Chính vì thế, phân loại hàng hóa, xếp đặt và trưng bày chúng một cách hợp lý và quen thuộc với thói quen mua sắm của khách hàng là điều căn bản nhất để đạt được cách trưng bày hàng hóa có trật tự và hiệu quả. Bằng cách này, khách hàng có thể dễ dàng định vị và tìm được sản phẩm mà họ muốn tìm trong thời gian ngắn nhất.

- Một lưu ý quan trọng, là khi thiết kế và chia khu thì phải cân nhắc để đảm bảo việc lưu thông trong cửa hàng và dễ và liên tục, cách sắp xếp rõ ràng và tạo cảm giác thoải mái, dễ dàng cho khách mua sắm.

- Thiết kế và phân khu theo từng đặc tính của sản phẩm với độ ưu tiên khác nhau. Với mỗi cách quy định, thì ta sẽ có thứ tự “gom” hàng thành từng khu vực riêng biệt.

Theo nhãn hiệu
Theo màu sắc
Theo giới tính (của khách mua hàng)
Theo công năng sử dụng
Theo giá tiền
Theo mùa
Theo kích cỡ (Phưong pháp này đặc biệt hữu dụng khi bán hàng thanh lý)
Theo lối sống
Theo nhóm tuổi
Cuối cùng, lựa chọn phương pháp trưng bày và mức độ ưu tiên phải dựa trên thói quen mua sắm của khách hàng.


- Tuy nhiên, có một vài lựa chọn khác như dựa vào lợi nhuận, dịch vụ có sẵn ở cửa hàng và cửa hàng đang có khuyến mãi. Một khi đã lựa chọn được phương pháp trưng bày cho cửa hàng thì hàng hóa có thể được trưng bày thích hợp và sáng tạo trên các quầy, kệ …

- Hàng hóa thông thường được sắp xếp theo màu sắc trong hầu hết các trường hợp vì chính màu sắc sẽ thu hút khách hàng trước tiên. Khi sử dụng màu sắc, nguyên tắc chung là từ sáng đến tối, trái sang phải. Bắt đầu với trắng và kết thúc với màu đen

- Đôi lúc cũng cần thay đổi thứ tự. Trong vài trường hợp, một số màu bổ sung được dùng để chen giữa. Như màu trắng chẳng hạn, được dùng để làm dịu 1 khu chỉ toàn màu nóng. Chất liệu vải cũng nên được phân biệt rõ, không vì sắp xếp theo màu mà để trộn lẫn, hàng hóa được nhóm theo cả màu sắc lẫn chất liệu vải.
Trưng bày cửa hàng phép lạ của kệ hàng:

- Trong cửa hàng, mặc nhiên là ta phải có những vật cố định để trưng bày hàng hoá. Nó không chỉ là một thứ để níu giữ, một điểm tựa của hàng hoá, mà còn gián tiếp làm tăng thêm giá trị của hàng hoá.

- Tôi nhớ có lần đi mua hàng ở một cửa hiệu rất sang trọng trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM.

- Đó được xem là một trong những khu hàng hoá cao cấp của thành phố. Thế nhưng, những cái áo "hàng hiệu xách tay" mang nhãn hiệu CK, Guess hay Hangten bỗng nhiên... hết sang. Đơn giản là vì toàn bộ áo được máng tất tần tật lên những cái mắc áo rẻ tiền và xếp san sát nhau trên một cái sào trông rất thảm hại. Trong khi đó, ngay cạnh bên, cũng cái áo đó, không gian gần như tương tự, người bán hàng đã rất khéo léo xếp nó ngay ngắn, trang trọng trên một ô kệ riêng biệt.
 

- Kinh nghiệm rút ra: người tiêu dùng mặc nhiên nghĩ rằng, hàng hoá nhiều quá, treo đầy trên các sào như... phơi đồ vừa giặt xong ở nhà thì đó là hàng... "bèo bọt". Khách hàng xác định giá trị và đẳng cấp của mình thông qua sự phóng chiếu vào món hàng mình mua. Họ không muốn nằm lẫn trong đám đông mà phải thật sự nổi bật, sang trọng.
 

- Lẽ dĩ nhiên, cách trưng bày hàng trên kệ hay trên sào thì cũng có điểm hay. Nhưng cần chú ý đến ý nghĩa của từng cách trưng bày. Hàng hoá nhiều đến ngộp thở, treo san sát nhau trên sào, chất đống trên kệ, sẽ tạo ra cảm giác... đám đông và... giá rẻ. Trong nhiều trường hợp lại rất hữu dụng.

- Khách hàng nhìn thấy hình ảnh của mình trong cách trưng bày từng món hàng
 

Hãy ghi vào sổ tay của mình những nguyên tắc quan trọng nhất mà một người bán hàng cần phải biết như bài học cơ bản của ngày hôm nay:

- Không sử dụng quá nhiều kệ, tủ và sào trong cùng một cửa hàng, cho dù cửa hàng của bạn là kiểu nào đi chăng nữa.

- Không treo quá nhiều đồ lên sào, kệ nếu bạn không muốn tạo ra cảm giác "bán sỉ" đối với khách hàng.

- Mọi thứ nên có độ cao phù hợp để khách dễ xem và treo sao cho khách hàng có thể nhìn thấy bức tường trưng bày ở xa, tức là vật trưng bày này không được làm che khuất vật trưng bày khác và đảm bảo khách có thể nhìn bao quát toàn bộ cửa hàng/khu vực gian hàng.

- Móc treo đồ cũng nên cùng loại và quay về một hướng, đừng treo bằng dây.

- Sử dụng một số thiết bị chuyên dùng cho từng loại sản phẩm khác nhau.

- Hãy lưu ý điều cuối cùng trong phần kệ và sào, là cho dù bạn muốn cách điệu đến mức nào đi chăng nữa, thì vẫn phải thoả mãn tính năng đầu tiên của nó: làm nổi bật món hàng mà nó trưng bày.
Phong cách thiết kế:

- Sau khi đã có những nguyên tắc cơ bản trong trưng bày, bạn hãy nghĩ một chuyện quan trọng hơn: cửa hàng của mình sẽ được thiết kế theo phong cách nào.

- Thật ra chuyện này thường được làm một cách vô thức và bị rập khuôn theo những cái khuôn… bất hợp lý. Chẳng hạn, tôi từng thấy một cửa hàng bán đồ dùng nhà bếp trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa lại trưng bày y như… cửa hàng bán đồ thời trang. Cũng treo, cũng móc, cũng kệ nhiều tay… Người tiêu dùng bây giờ… khó chịu lắm.

- Có thể có hàng loạt biến tấu của cửa hàng, nhưng tựu trung, có ba kiểu thiết kế cửa hàng cơ bản mà bạn cần xem xét:
1. Lưu thông theo các khối (thiết kế kiểu kẻ ô):

- Các quầy kệ được xếp thành các đường song song.
- Mục đích là làm tăng tối đa không gian bán hàng.
2. Kiểu tự do:

- Tự do đi lại theo các hướng.
- Các quầy kệ được đặt theo các kiểu mở (open).
- Khuyến khích khách hàng lựa chọn sản phẩm.
3. Kiểu Boutique:

- Sắp xếp cửa hàng thành những khu vực phần nào riêng biệt với nhau, mỗi khu vực được xây theo một chủ đề mua sắm.
- Kiểu này thường dành cho các cửa hàng chuyên.
- Bạn cần phải làm thoả mãn nhiều yếu tố trong cùng một không gian trưng bày: phải giới thiệu được tối đa hàng hoá tại tất cả các khu vực của cửa hàng, lại phải đảm bảo tầm nhìn từ lối đi chính đến các bức tường xung quanh. Cách sử dụng các quầy cũng phải chú ý rằng quầy kệ thấp để phía trước, cao dần về phía sau, và quầy kệ cao nhất để phía cuối.

- Như thế, bạn sẽ thấy phong cách thiết kế thật ra khác biệt nhau ở hai điểm: lối đi và cách bố trí kệ, tủ và bài trí lối đi trong cửa hàng. Hiện nay, ngoài các trung tâm, người ta làm biến mất tối đa các tủ đựng sản phẩm mà quên rằng, nó lại có một giá trị lớn lắm: làm sang trọng hoá sản phẩm. Ngoài ra, các tủ còn làm tăng độ sáng bóng, lung linh của hàng hoá. Nhiều khách hàng còn mặc định một suy nghĩ: hàng nào trưng trong tủ thì là hàng “xịn” hơn.

- Cho dù theo phong cách nào, thì vẫn phải chừa lối đi với bề rộng lối đi giữa hai dãy hàng là 1,2m. Tránh tuyệt đối việc thu hẹp không gian này. Vì bạn có nhớ cái lần gần đây nhất, mình đi mua hàng và cứ phải hót bụng, cố gắng lách đi giữa mớ hàng. Tâm trạng của mình không thể thoải mái được làm sao mà “thoả sức mua...”.
 
Những câu hỏi quan trọng:

- Có lẽ, đây là một cuộc xét nghiệm mà bạn có thể tự thân “xử lý” cho cửa hàng của chính mình. Đơn giản vô cùng: cầm lấy giấy bút và tuần tự trả lời nhóm câu hỏi này.
Mua hàng trong cửa hàng có dễ không?

- “Dễ” ở đây lại mang hai nghĩa khác nhau: dễ chọn được món hàng, và nó dễ thuyết phục người mua rằng mua hàng của bạn là hợp lý nhất. Tôi đã từng rất phân vân trước một cái giỏ xách, mà xét về kiểu dáng, chất liệu và giá cả thì đều hài lòng. Nhưng vẫn phân vân, vì ngay bên cạnh có một cái giỏ xách khác na ná như thế, nhưng xấu xí hơn, chất liệu tồi hơn nhưng lại được bán với giá cao hơn. Thế là lo ngại mình mua nhầm hàng… chỉ có cái mã bên ngoài.
Cửa hàng của bạn có rối không?

- Ít nhất là đừng treo hàng hoá để cho khách tưởng là đang bước vào một cánh rừng. Điều này rất hay xảy ra ở cửa hàng quần áo, vì người bán có khuynh hướng trưng tất cả mẫu mã mình có ra bên ngoài. Và khách hàng bị lọt ngay vào ma trận, chỉ muốn… lui binh.
Mua ở cửa hàng của bạn có chán không?

- Cái này, thì phải có thời gian để biết “chán” hay không. Hãy chụp một vài bức ảnh từ trong ra ngoài cửa hàng. Sau đó, chừng một tuần sau, chụp lại cùng những góc ấy. Nếu nó vẫn y nguyên như thế, thì “chán” thật!
Bạn nhấn mạnh hình ảnh nào của cửa hàng?

- Cửa hàng của bạn, cho dù nó là một cửa hàng gia đình mở ra nho nhỏ, nhưng người chuyên nghiệp thì cũng phải có một hình ảnh nhất quán. Cửa hàng của bạn phải khác hơn những cửa hàng khác, thì khách hàng mới có hứng thú quay lại. Do đó, nhất thiết phải có một hình ảnh mạnh nhất. “Có hàng xách tay” là một hình ảnh có thể sử dụng, nhưng nó chưa lạ, vì nhiều nơi có, thế thì có thể thêm vào “độc quyền từ hậu trường màn ảnh Hollywood” chẳng hạn.
Khách hàng có dễ dàng di chuyển trong cửa hàng không?

- Chỗ này, xem lại số SGTT trước nhé. Chúng tôi có nhấn mạnh về khoảng cách tối thiểu của lối đi trong cửa hàng.
Khách hàng có được “dẫn” vào cửa hàng không?

- À, cái này nó liên quan đến rất nhiều “chiêu” khác nhau. Nhưng bạn hãy nhờ một ai đó nói cho bạn biết, khi họ đi ngang qua, họ có muốn bước vào xem thử hay không. Nếu câu trả lời là không, thì bạn nên chờ xem những phần tiếp theo của loạt bài này rồi.
Khách hàng có cảm thấy bị ngộp? lạc?

- Trường hợp này hay xảy ra sau khi khách đã lui cui lựa hàng một khoảng thời gian nhất định. Và họ bị… mất phương hướng. Cực kỳ nguy hiểm, vì họ sẽ rất sợ nên chẳng muốn trở lại nữa. Nguyên nhân: bạn bày biện mọi thứ quá màu sắc và rất thiếu khoa học đấy thôi.
Những khu vực đặc trưng:

- Điều kỳ diệu và niềm hãnh diện cho khách hàng cũ là họ có thể đến và tìm chính xác món hàng mình cần tại một khu đặc trưng trong cửa hàng, đặc biệt là nếu họ dẫn thêm bạn bè tới mua. Hãy tạo cho khách hàng cảm giác này bằng cách phân khu bán hàng.

- Những khu bán hàng trọng điểm trong một cửa hàng bán lẻ có thể là: những khu chất nhiều sản phẩm; tường (SGTT đã đề cập trong những bài viết trước) và những khu đặc trưng (Feature areas).

- Bạn có một diện tích bán hàng thật rộng rãi, mặc sức bày biện mọi ý tưởng của mình? Hay là bạn chỉ có một cửa hàng bé xíu, chẳng thể nào cho phép mình chia thành nhiều khu vực khác nhau? Điều đó chẳng quan trọng. Điều quan trọng là tạo cho khách hàng của mình cảm giác ngăn nắp, khoa học lẫn thuận tiện, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian chỉ bằng một vài bí quyết nho nhỏ sau đây:
 
Trưng bày theo từng khu vực nhằm:

- Thu hút sự chú ý của khách hàng và lôi kéo họ vào cửa hàng.

- Trưng bày những sản phẩm mới và hấp dẫn.

- Tạo nên một chủ đề/thông điệp cho cửa hàng.

- Quyết định chủ đề/thông điệp của cửa hàng.

- Hãy thật chú ý đến những điểm nhấn trong cửa hàng mà khách sẽ bị “dính mắt” vào. Đó có thể là đầu và cuối các cột. Nơi đó, bạn hãy đặt một món hàng mà bạn muốn bán nhất vào. Thông thường, các cửa hàng hay bị thói quen rất cũ là để một kệ bày các món hàng linh tinh. Trong phần lớn trường hợp, nó không có tác dụng nếu bạn không muốn bán hàng đi kèm thành hàng hoá chính. Hãy cho mình một cơ hội làm thoả mãn “sự nhìn” của khách hàng. Khách đang càng ngày càng… lười, nên tốt nhất là giúp họ chọn sẵn theo đúng ý của… người bán. Tâm lý của mọi người là chọn món hàng đặt ngay điểm nhấn này.

- Hai vị trí quan trọng không kém là đầu và cuối lối đi với cùng một công thức như trên, có điều, dụng cụ bày hàng phải khác và nhớ đừng làm choán hết lối đi.

- Thêm vào đó là một vị trí đặc biệt nhất mà gần như 90% những cửa hàng chúng tôi khảo sát đều bỏ qua: quầy tính tiền. Đây là nơi giữ khách lại lâu nhất trong khi họ đợi thanh toán tiền mua hàng. Bày cho họ vài thứ để xem “giải trí”, họ sẽ mua hàng thêm cho mà xem. Điểm này, thì mọi cửa hàng bán lẻ phải học… siêu thị. Hãy nhớ lại xem, lần cuối cùng bạn đứng chờ tính tiền trong siêu thị, bạn đã thò tay lấy thỏi kẹo cao su hoặc vài thứ linh tinh gì đó có phải là lần gần đây nhất không?
 

- Khu khuyến mãi: khu có nhiều khách hàng đi lại nhất trong cửa hàng. Nơi lý tưởng để trình bày chủ đề của cửa hàng hay giới thiệu những sản phẩm khuyến mãi.
Trưng bày từ bên ngoài:

- Với một người khách vô tình đi ngang qua cửa hàng của bạn, làm thế nào để họ phải dừng lại và bước vào? Điều đó phụ thuộc vào việc bạn có biết “trưng bày từ bên ngoài” hay không.

- Người ta thường gọi trưng bày bên ngoài là trưng bày cửa sổ (window display). Tất nhiên, mục tiêu chính của nó là thu hút khách hàng vào cửa hàng. Ngoài ra, cách làm này cũng nhằm gởi đến khách hàng một thông điệp bằng hình ảnh về loại hàng hoá được bán trong cửa hàng và cũng để tạo nên một hình ảnh cho cửa hàng.

- Việc trưng bày từ bên ngoài cũng phải tạo nên chủ đề - sự kiện cho cửa hàng. Ngoài việc làm cho khách hàng hiểu rõ loại hàng hoá mình bán, phong cách của cửa hàng, thì đó còn là nơi cung cấp những chương trình khuyến mại, hàng mới về… để gởi thông điệp chào mừng đến với khách hàng.
 
Để thành công, trưng bày hàng hoá tại cửa sổ nên:

- Truyền đạt nhanh cho khách hàng về lợi ích và giá cả của sản phẩm. Nhiều cửa hàng hiện nay có xu hướng dán các loại giá cả bằng chữ số rất to ngoài cửa kính hoặc những tấm biển dày đặc con số.
 

- Tuy nhiên, cần lưu ý rằng có khi nó lại làm phản tác dụng: che hết hàng hoá bên trong hoặc làm… rẻ tiền hoá cửa hàng của mình (ngăn bước chân của khách cao cấp).

- Tác động đến tình cảm – động lực về tâm lý của khách hàng. Bởi thế, những hình ảnh, hàng hoá và công cụ dùng để trưng ra ngoài cửa kính phải thật chu đáo, đầy đủ thông điệp và nghiêm cấm việc nhếch nhác, tuềnh toàng hoặc bụi phủ đầy. Một khảo sát cho thấy, 60% người mua hàng sẽ chọn mẫu áo đang treo trên ma-nơ-canh phía ngoài và dù ngày nào họ cũng đi ngang qua, nhưng họ chỉ bước vào cửa hàng nếu thấy có hàng mới treo trên giá này.

- Tạo nên sự mong muốn, khao khát có được sản phẩm ở khách hàng. Tức là phải xử lý sao cho hình ảnh của khách hàng được nổi bật lên. Bạn thử nhớ lại xem, có bao giờ bạn nhìn thấy một cái áo đầm trẻ con trưng trong cửa kính và thầm nghĩ: “Cái này con gái mình mặc chắc là tuyệt vời lắm”.
Phản ánh chính sách bán hàng và sản phẩm của cửa hàng (hình ảnh, đẳng cấp và cá tính). Đẳng cấp là thứ quan trọng.
 

- Hàng sang thì không cho phép chưng giá hoặc bảng giảm giá quá to. Hàng đại chúng thì cần tránh việc chất đống và làm bầy hầy phía trước gian hàng.

- Sẽ không thừa nếu chúng tôi nhắc bạn về một thứ “trưng bày” khác ngoài ý muốn: bãi giữ xe – nhân viên trông xe. Đó là ấn tượng đầu tiên và cũng là ấn tượng sau cùng của khách hàng khi bước chân vào một cửa hàng cần được chăm chút.
Quy tắc 20 - 20 – 20:

- Công thức mua hàng của khách khá đơn giản: lần đầu tiên luôn là… mua thử. Từ người khách vãng lai với lần giao dịch thứ nhất này, nếu biết cách phục vụ, họ sẽ biến thành khách hàng thường xuyên và sau đó là khách hàng trung thành. Một thống kê cho thấy, doanh số của một cửa hàng sẽ tăng 75% nếu lượng khách hàng trung thành tăng lên 5%.

- Nhưng cái “nút” quan trọng là phải cho khách bước qua ngưỡng cửa đầu tiên của việc mua thử. Ngoài những điều mà chúng tôi đã giới thiệu trong những số trước liên quan tới trưng bày hàng hoá, thì giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm của Đại học UBI giới thiệu một quy tắc bán hàng thông dụng tại nhiều nước: quy tắc 20 – 20 – 20.

- Con số 20 đầu tiên ứng với việc giao tiếp bằng mắt. Một ánh mắt niềm nở, thân thiện và ấm áp ngay tại điểm bán hàng sẽ tạo cho khách hàng cảm giác mình đang thực sự bước qua cảm giác xa lạ mà đi vào không gian bán hàng. Phần lớn các nhân viên bán hàng ở Việt Nam bị một cách bệnh “ghẻ lạnh” khi khách vô tình bước qua. Hoặc nếu không thì họ lại vồ vập một cách quá trớn khiến cho khách hàng cảm thấy mình… sắp sập bẫy. Vì thế, chỉ cần 20 giây giao tiếp bằng mắt, kèm theo một nụ cười vừa phải, đủ để khách dừng chân và bước vào cửa hàng. Người bán hàng thông qua ánh mắt có thể tạo niềm tin cho khách hàng. Người mua thì thể hiện rõ những nhu cầu có thể đoán được của mình, chẳng hạn việc nhìn nhiều về một món hàng nào đó.

- Con số 20 thứ hai, ứng với 20 từ đầu tiên của việc giao tiếp người người mua và người bán. Đừng nhiều lời quá, khách sẽ bị dị ứng. Hãy nói chậm và nói vừa đủ. Một câu hỏi đủ sự quan tâm về món hàng mà khách đã chú ý, chẳng hạn: “Dạ, mời chị xem thử cái áo đầm trẻ con này. Chắc là bé gái nhà mình sẽ rất thích”. Thế là đủ.
 

- Con số 20 cuối cùng, là khoảng cách giữa khách hàng và người bán hàng. 20 cm là một cái chuẩn thông thường ở châu Âu, nhưng theo tập tính văn hoá của từng nơi, thì nó phát triển ra ở Mỹ là 30 cm và ở các quốc gia châu Á là 40 cm. Đứng gần quá hoặc xa quá đều gây cảm giác khó chịu đối với người khách. Ai bước vào cửa hàng cũng cần sự quan tâm và được phục vụ chu đáo. Đừng đi kè kè theo khách, nhưng hãy luôn có mặt để giúp khách xem và thử hàng hoá.
Một số lưu ý quan trọng:

- 0 giây đầu tiên thông thường không do nhân viên bán hàng quyết định mà là do… nhân viên giữ xe chiếm giữ.

- Chi phí bỏ ra để tìm kiếm khách hàng trung thành rẻ hơn việc tìm kiếm khách hàng mới là từ 14 đến 40 lần.
Những chuyện mê hoặc trong cửa hàng:

- Những gian hàng mỹ phẩm cho dù nằm ở trong các trung tâm thương mại cao cấp, siêu thị hay dạng boutique toạ lạc trên những khu phố sầm uất nên tuân theo một số quy tắc nhất định để đảm bảo việc trưng bày hàng hoá luôn mang đến cảm giác thanh lịch và thoải mái cho khách hàng.
Địa điểm:

- Nên chọn những khu vực nhiều người qua lại, tốt nhất là giao điểm của nhiều hướng lưu thông khác nhau. Ví dụ, nếu quầy hàng nằm trong siêu thị thì có thể nằm trên giao điểm của 2 hoặc 3 luồng giao thông.

- Nên chú ý là hệ thống giao thông Việt Nam thuộc dạng “tay phải”, vì thế khi bước chân vào siêu thị hay quầy hàng, khách hàng có khuynh hướng rẽ phải.

- Nếu vị trí của quầy hàng có một mặt tựa vào tường của siêu thị, vì bức tường là một điểm tựa tốt giúp khuếch trương thương hiệu với những poster hoặc bảng hiệu quảng cáo. Tuy nhiên, không gian tiếp xúc với khách hàng sẽ giảm xuống. Nếu vị trí của gian hàng kiểu “ốc đảo”, thì cơ hội khuếch trương thương hiệu với poster sẽ giảm đi, nhưng bù lại thì không gian tiếp xúc với khách hàng lại nhiều hơn. Vì thế, người quản lý nên phân loại thứ tự ưu tiên khi chọn địa điểm cho quầy hàng.
Ánh sáng:

- Đóng vai trò quan trọng cho việc trưng bày hàng hoá, thông thường quầy hàng được phối hợp giữa ánh sáng trắng và ánh sáng vàng. Cũng nên khảo sát thêm nguồn sáng chính của siêu thị là nguồn sáng màu gì để có thể điều tiết ánh sáng cho quầy hàng phù hợp hơn.
Thiết kế quầy hàng:

- Theo phong cách nào? Phong cách mở hay phong cách đóng? Phong cách mở là tạo ra khoảng không gian rộng giữa 2 kệ trưng bày hàng hoá, và 2 kệ này được xếp theo dạng 2 cánh cửa mở rộng hình chữ V, và khoảng cách tối thiểu là 1,2 m. Không gian đóng thì khoảng cách giữa 2 kệ có thể hẹp hơn 1,2 m và 2 kệ được xếp theo kiểu dạng song song, sát nhau (kiểu này rất thông dụng ở Việt Nam vì tiết kiệm được mặt bằng). Thông thường, không gian mở tạo cảm giác tâm lý thân thiện và thoải mái hơn kiểu không gian đóng.

0 ý kiến:

Post a Comment

 
Top