Khảo sát sự hài lòng của nhân viên

Một trong những yếu tố cạnh tranh quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu hóa và dựa trên tri thức là sức mạnh của lực lượng lao động trong doanh nghiệp. Nhưng để có một lực lượng lao động mạnh, không chỉ ở khâu tuyển dụng người mà cốt lõi ở khâu duy trì, phát huy, nâng cao chất lượng cao nguồn nhân lực hiện có trong tổ chức. Việc này được thực hiện thông qua công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ nhân viên, đánh giá thành tích công tác, hệ thống trả lương - thưởng. Theo khảo sát nghiên cứu trong 03 tháng đầu năm 2011 của Navigos Search với sự tham gia của 4800 nhân sự tại các công ty đang hoạt động tại Việt Nam, các yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân người tài là có một đội ngũ lãnh đạo tốt (76%), môi trường làm việc tốt về thể chất và tinh thần (75,2%), các chương trình hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân viên (71,8%). Chính sách lương thưởng chiếm 66,4%, chỉ là yếu tố đứng thứ tư tạo nên sự hấp dẫn người lao động. Như vậy đã có những tiêu chuẩn mới được hình thành, người lao động tìm kiếm việc làm và cơ hội ở những nơi có môi trường làm việc có thể phát huy được năng lực bản thân, được cộng tác với những đồng nghiệp thân thiện, với sự dẫn dắt của những người Lãnh đạo tài ba.
Khảo sát sự hài lòng của nhân viên là một trong những công cụ giúp cho chủ doanh nghiệp đánh giá được phần nào mức độ thỏa mãn nhân viên với công việc hiện tại của họ, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân viên. Từ đó, doanh nghiệp có những điều chỉnh chính sách nhân sự, tạo môi trường động viên, khích lệ nhân viên phù hợp. Sự thỏa mãn tập thể nhân viên chính là cách để gây dựng lòng trung thành của họ đối với tổ chức, làm cho nhân viên yêu thích công việc, gắn bó với đồng nghiệp và phát huy tối đa năng lực và sự nhiệt tình trong công việc của họ.
Mục tiêu cơ bản của hoạt động khảo sát sự hài lòng của nhân viên là:
  • Biết được nhu cầu của nhân viên để áp dụng chính sách nhân sự phù hợp;
  • Biết được quan điểm của nhân viên về các hoạt động trong tổ chức;
  • Đánh giá các yếu tố quyết định đến sự gắn bó của nhân viên;
  • Cải thiện các vấn đề tồn tại của tổ chức trong hoạt động, chính sách nhân sự, quan hệ lao động...
Khi thực hiện cuộc khảo sát, mọi doanh nghiệp đều muốn thành công. Một trong những điều quan trọng nhất đảm bảo sự thành công của cuộc khảo sát là tỷ lệ tham gia của nhân viên. Nếu quá ít nhân viên tham gia, kết quả sẽ không chính xác, đồng thời điều này cũng có thể là đa số các nhân viên đều cảm thấy bất mãn, thiếu gắn bó với tổ chức nên không muốn lên tiếng. Để có được tỷ lệ nhân viên tham gia cao, cuộc khảo sát cần đảm bảo các yếu tố sau:
  • Mục tiêu rõ ràng, nội dung được thông báo đến từng nhân viên để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khảo sát.
  • Có kế hoạch triển khai để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của những người thực hiện và nguồn lực từ việc lập phiếu khảo sát đến phân phối, thu thập dữ liệu và phân tích.
  • Có tên và logo cho cuộc khảo sát và logo để thể hiện chủ đề của nó giúp những người tham gia vào cuộc khảo sát có thể theo dõi được quá trình khảo sát cũng như là những diễn biến khác trong doanh nghiệp.
  • Thể hiện cam kết của Ban Lãnh đạo. Cam kết của ban giám đốc sẽ làm cho nhân viên cảm thấy an tâm rằng những ý kiến phản hồi của họ được nghiêm túc xem xét và thực hiện.
  • Câu hỏi đưa ra phù hợp, thể hiện được những vấn đề mà Ban giám đốc và các nhân viên đang quan tâm, phải thể hiện được văn hóa của doanh nghiệp.
  • Cách thức thu thập dữ liệu phù hợp với đội ngũ nhân lực của mình. Ví dụ thay bảng câu hỏi được in sẵn bằng hình thức khảo sát trực tuyến để việc thu thập dữ liệu dễ dàng, hiệu quả và ít tốn kém hơn.
  • Thời gian thực hiện khảo sát phải thuận tiện, ít gây xáo trộn hay gián đoạn các hoạt động hằng ngày và đảm bảo tỷ lệ tham gia cao nhất. Cũng không nên thực hiện khảo sát trong lúc quan hệ giữa ban giám đốc và các nhân viên đang căng thẳng.
  • Xem xét kết quả và có hành động sau khảo sát. Đây là một cách hiệu quả nhất để xây dựng lòng tin của các nhân viên để họ thấy được rằng khảo sát để cải thiện và đem đến lợi ích nhiều hơn cho chính bản thân họ khi tham gia một cách nghiêm túc.
Nguyễn Thị Lê HoaTrung tâm Năng suất Việt Nam

0 ý kiến:

Post a Comment

 
Top