Sức mua giảm, chi phí mặt bằng đắt đỏ, đồng vốn eo hẹp... khiến cuộc đua trên thị trường bán lẻ đang chuyển dịch từ những đại siêu thị sang cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini với số lượng tăng đến chóng mặt.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, mức tăng trưởng của mô hình này so với cùng kỳ năm trước lên đến 80%, gắn với nhu cầu về sự tiện lợi của người tiêu dùng thành thị.
Khi tiện lợi lên ngôi
Hơn 11g, cửa hàng Circle K kế bên Trường Trần Đại Nghĩa (đường Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM) đông đúc khách. Học sinh của trường vừa tan học đã ùa ngay vào cửa hàng này, người mua thức ăn nhẹ, người chọn nước uống, người chọn mì gói và tự pha ăn trong khi chờ người nhà đến đón. Không khí khá nhộn nhịp, huyên náo.
Anh Thư, một học sinh, cho biết trước đây khi chưa có cửa hàng này, Thư thường phải chọn một quán nước vỉa hè đối diện trường chờ ba mẹ.
Từ khi cửa hàng Circle K mở ngay cổng trường, các bạn Thư chuyển vào đây vì không gian mát mẻ hơn, nhiều món ăn giá cả hợp lý như mì trụng trứng, bánh mì ốpla... với giá 11.000-13.000 đồng/phần. Sau năm năm có mặt tại VN, Circle K đã có hơn 50 cửa hàng, tập trung nhiều ở trung tâm các thành phố lớn.
Kết thúc hợp tác với Tập đoàn Phú Thái, nhiều đồn đoán về việc thương hiệu bán lẻ của Nhật FamilyMart rút khỏi thị trường VN râm ran. Thế nhưng cuối tháng 7-2013, FamilyMart bất ngờ xuất hiện trở lại với cửa hàng đầu tiên được mở vào cuối tháng 7-2013 cùng tuyên bố sẽ mở 20 cửa hàng trước khi kết thúc năm 2013.
20 cửa hàng này sẽ được tập trung mở ở TP.HCM, việc tiến ra Hà Nội nếu thuận lợi thì cuối năm 2014 tiến hành. Ông Kigure Takehiko - chủ tịch Công ty TNHH Cửa hàng tiện lợi gia đình VN, đơn vị sở hữu cửa hàng tiện lợi FamilyMart tại VN - nói không có lý do gì để rút lui khỏi một thị trường bán lẻ tiềm năng như VN.
“Hiện TP.HCM chỉ có hơn 150 cửa hàng tiện lợi đúng nghĩa (những cửa hàng hoạt động trên 18 giờ/ngày), ở Nhật chúng tôi có 15.000 cửa hàng, Thái Lan hơn 700 cửa hàng... Vì vậy khoảng trống để phát triển tại VN là rất lớn” - ông Kigure Takehiko nói. Shop & Go, Circle K, Ministop... - những cửa hàng tiện lợi - đang có những cuộc chạy đua về mặt bằng với tốc độ nhanh chóng, có đặc điểm chung: mở cửa 18 giờ một ngày và nhắm đến đối tượng người tiêu dùng có nhu cầu cao về sự tiện lợi. Thời gian đông khách nhất của các cửa hàng tiện lợi là vào buổi trưa và lúc tan tầm chiều. Nhắm vào khách hàng chủ lực là học sinh nên khi chọn mặt bằng kinh doanh đều phải ưu tiên gần trường học, cao ốc văn phòng.
Trong khi đó, những cửa hàng thực phẩm tiện lợi như Vissan Co.opFood, SatraFood, New Chợ.... cũng mọc lên như nấm trong chiến lược tăng độ phủ thương hiệu của các nhà bán lẻ. Đến nay Co.opFood đã có 62 cửa hàng, SatraFood hơn 20 cửa hàng, sau khi thử nghiệm với New Chợ, nhà bán lẻ Big C (Pháp) cũng tung ra thêm mô hình Big C Express xuất hiện len lỏi trong khu dân cư, gần chợ truyền thống. Hình thức của những cửa hàng trên cũng tương tự siêu thị nhưng với quy mô nhỏ hơn hẳn, loại hình này dễ dàng mở rộng hệ thống khắp các thành phố với tốc độ nhanh hơn. Theo khảo sát mới đây của Kantar Worldpanel, hiện nay cứ mỗi tháng lại có 2-3 siêu thị mini mới được thành lập.
Sẽ còn phát triển mạnh
Giá mặt bằng cao cản trở tốc độ phát triển
Với diện tích linh hoạt 50-200m², các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini dễ dàng len lỏi vào khu dân cư đông đúc. Ngoài ra so với mô hình bán lẻ khác, giá trị đầu tư ban đầu cũng chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, nhà bán lẻ có thể xây dựng một cửa hàng với hơn 1.000-2.500 mặt hàng. Theo các nhà bán lẻ, mô hình này dễ đầu tư, lấy vốn nhanh, tuy nhiên rào cản hiện nay ở VN là giá mặt bằng cao làm chi phí hoạt động đội lên rất cao. Đại diện Circle K cho biết tìm một mặt bằng ở TP.HCM không khó, nhưng giá thuê mặt bằng ở VN cao hơn hẳn so với Thái Lan và không ổn định theo xu hướng tăng dần, dẫn đến việc duy trì một địa điểm bán là thách thức với nhà quản lý.
|
Cũng trong khảo sát về thị trường bán lẻ này, đại diện Kantar Worldpanel cho biết một trong những yếu tố thu hút khách hàng nhất là có thể mua hàng ở những cửa hàng tiện lợi gần nhà mình vào bất kỳ lúc nào trong ngày.
Năm 2010, chỉ có khoảng 10% hộ gia đình ở thành thị mua hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ở siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi ít nhất một lần trong năm. Trong khi hiện nay, cứ năm hộ ở thành thị thì có một hộ đi mua sắm hàng FMCG ở siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi ít nhất một lần trong năm, chi tiêu trung bình 90.000 đồng cho một lần đi mua sắm. Trong vòng 10 năm tới, dự đoán mọi gia đình đều đến siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi mua sắm ít nhất một lần trong năm.
Ông Trần Tấn An - phó tổng giám đốc Vissan - cho biết đến nay Vissan đã có hơn 100 cửa hàng kinh doanh và giới thiệu sản phẩm. Nhưng con số này không còn là mối bận tâm vì hiện nay Vissan đang muốn đi vào chiều sâu, nâng cấp hệ thống nhận diện các cửa hàng, quản lý để chuyển những cửa hàng này từ tính chất giới thiệu sản phẩm thành những cửa hàng thực phẩm tiện lợi đúng nghĩa. “Thời điểm này là cơ hội của những cửa hàng thực phẩm tiện lợi. Hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi, họ muốn những công việc liên quan đến bữa cơm hằng ngày nhanh hơn, tiện hơn, an toàn hơn và giá cả ổn định hơn. Đây là những điều có thể tìm thấy trong các cửa hàng tiện lợi” - ông An nói.
Sau nhiều năm bôn ba thị trường bán lẻ VN, ông Kigure Takehiko cho rằng VN cần thêm thời gian để làm quen với mô hình cửa hàng tiện lợi. Vì vậy hiện nay các cửa hàng FamilyMart mới bên cạnh không gian dành cho khách ăn uống tại chỗ còn có những quầy kệ chuyên bán hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt, cá... dành cho các bà nội trợ. “Chúng tôi vẫn tập trung vào khách hàng trẻ dưới 30 tuổi, nhưng người tiêu dùng trẻ cần thời gian để làm quen với mô hình tiện lợi. Ở thị trường VN có thể lâu hơn một chút, FamilyMart xác định có thể chịu lỗ trong 7-8 năm nhưng chúng tôi đang cố gắng rút ngắn thời gian này” - ông Kigure Takehiko nói.
NHƯ BÌNH
0 ý kiến:
Post a Comment