Sự gia tăng về số lượng cửa hàng
sẽ gây nhiều khó khăn cho người quản lý. Làm cách nào
quản trị chuỗi cửa hàng bán lẻ là bài toán không dễ
trả lời.
Thực tế trên thế giới đã chỉ ra, các nhà
bán lẻ khó có kết quả tài chính tốt nếu chỉ kinh
doanh 1-2 cửa hàng nhỏ lẻ. Với các cửa hàng đầu tiên,
nhà bán lẻ cơ bản là chưa có lãi vì chi phí đầu tư
ban đầu cao cũng như "đường cong kinh nghiệm"
chưa đủ để có thể quản lý hiệu quả cửa hàng. Hãy
nhìn các nhà bán lẻ trên thế giới đã có mặt tại
Việt Nam như: Metro, Big C, Parkson... sẽ thấy họ đều
phát triển theo chuỗi. Muốn kinh doanh bán lẻ thành công
thì phải phát triển theo chuỗi – đó gần như là phương
thức tất yếu trong ngành bán lẻ thế giới.
Bước phát triển ngược
Tại Việt Nam, câu chuyện dường như đi ngược
lại so với xu hướng của thế giới. Hầu hết các nhà
đầu tư cửa hàng bán lẻ thường kinh doanh khá hiệu quả
ở cửa hàng đầu tiên. Từ tạp hóa, thời trang, dược
phẩm đến café, bán phở… đều kinh doanh có lãi. Nhưng
khi nhà đầu tư mở đến cửa hàng thứ 2,3… bắt đầu
tỏ ra không hiệu quả, doanh số những cửa hàng mới mở
thường nhỏ hơn rất nhiều so với các cửa hàng đầu
tiên. Với số lượng cửa hàng tăng lên, tổng doanh thu
tăng lên, các chủ cửa hàng dễ dàng hơn trong việc đàm
phán với nhà cung cấp về số lượng và giá cả hàng
hóa. Tuy nhiên, khi họ mua rẻ được một chút thì các
nhà đầu tư bắt đầu rơi tình trạng "không kiểm
soát được " chính cửa hàng do mình mở ra. Vậy vấn
đề ở đâu? Nó không nằm ở khả năng buôn bán của
các chủ cửa hàng mà ở " kỹ năng quản trị cửa
hàng " của các nhà đầu tư, quản lí chuỗi cửa
hàng bán lẻ. Tại Việt Nam, 90% số điểm bán lẻ là các
cửa hàng của hộ gia đình và được mở la liệt khắp
nơi, hầu hết ở tình trạng tự phát, thiếu chiến lược,
kế hoạch bài bản ngay từ đầu thì việc rơi vào hoàn
cảnh "càng lớn – càng khổ", khi cửa hàng càng
phát triển – các chủ cửa hàng càng mất sự kiểm soát
cũng là điều dễ hiểu.
Lời giải cho bài toán khó
Để giúp các doanh nghiệp bán lẻ, các nhà
đầu tư và quản lý cửa hàng có cái nhìn rõ và sâu hơn
về quản trị cửa hàng bán lẻ.
Cấp độ 1: Quản trị kết quả tài chính
cửa hàng
Ở cấp độ này, người chủ cửa hàng cần
quản lý được các chỉ số về tài chính căn bản. Có
3 nhóm chỉ số tài chính mà chủ cửa hàng phải nắm
được. Bộ chỉ số thứ nhất về Lãi lỗ: các chỉ số
này bao gồm: doanh số, giá vốn hàng bán – số tiền mà
các chủ cửa hàng trả các nhà cung cấp, lãi gộp, chi
phí cửa hàng, lãi gộp trên doanh số, lãi ròng trên doanh
số... Chỉ số này cần được tính cho cửa hàng và từng
ngành hàng. Bộ chỉ số thứ hai là về tài sản – hiệu
quả đầu tư: có thể kể đến một vài chỉ số đơn
giản để quản lý cửa hàng như: tồn kho, các khoản
công nợ với khách hàng quen biết, tài sản cố định
đầu tư vào cửa hàng, các công cụ, dụng cụ dùng trong
cửa hàng, tổng tài sản đầu tư, chỉ số tổng doanh số
trên tài sản – để xem 1 đồng tài sản tạo ra mấy
đồng doanh số… Bộ chỉ số thứ 3 là về dòng tiền:
các chủ cửa hàng cần nắm được dòng tiền vào; dòng
tiền ra, tránh rơi vào tình huống "lúc nào cũng có
tiền – nhưng khi cần tiền lại không có".
Cấp độ 2: Quản trị sự hài lòng khách
hàng
Ở cấp độ này người quản lý, chủ cửa
hàng phải quản lý được đối tượng tạo ra doanh thu
cho mình, đó là sự hài lòng của khách hàng. Hầu hết
các nhà bán lẻ đều cho rằng: "khách hàng là thượng
đế". Song thượng đế vào cửa hàng của chúng ta
rồi về như thế nào, họ hành xử ra sao khi lựa chọn
hàng hóa, yếu tố nào quyết định họ lựa chọn cửa
hàng của chúng ta chứ không phải cửa hàng bên cạnh thì
hầu như các quản lý cửa hàng và chủ cửa hàng không
nắm được rõ hoặc chỉ là phán đoán cá nhân. Họ tới
cửa hàng của chúng ta, họ có hài lòng với nhân viên
của cửa hàng không, họ có hài lòng về giá cả không,
họ có hài lòng về sản phẩm không? Khi khách hàng mang
sản phẩm về sử dụng, họ có hài lòng với sản phẩm
đấy không. Nếu họ không hài lòng thì mình có cách nào
để biết không? Khi không trả lời được các câu hỏi
trên thì thực sự chúng ta không thể gọi là bán lẻ
được mà phải gọi là "nơi khách hàng đến mua".
Cửa hàng bán lẻ sẽ rơi vào tình trạng "há miệng
chờ sung".
Theo kinh nghiệm tư vấn của cá nhân tôi cho
các doanh nghiệp bán lẻ, thì hầu hết các doanh nghiệp
bán lẻ nhỏ và cửa hàng bán lẻ đều đang lúng túng và
bị động ở cấp độ quản trị thứ 2 này. Hiện nay,
trên 90% cửa hàng bán thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh
là các hộ gia đình. Nếu chúng ta không bắt đầu vào
công tác quản trị sự hài lòng của khách hàng ngay từ
bây giờ thì khi mà các đại gia về phát triển chuỗi
cửa hàng tiện lợi như: 7 Eleven, GS store... vào Việt Nam
liệu chúng ta có trở tay kịp?
Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ, các
nhà đầu tư và các quản lý cửa hàng hãy bắt tay ngay
vào công tác quản trị sự hài lòng của khách hàng, hãy
bắt đầu quan tâm đến việc khách hàng nghĩ gì trước,
trong và sau khi rời cửa hàng của mình. Khi đó, thì cửa
hàng bán lẻ đã bắt đầu chạm tới cấp độ thứ hai
trong quản trị cửa hàng bán lẻ:
Trong số báo tiếp theo,
tôi sẽ chia sẻ với quý độc giả hai cấp độ cao hơn
của quản trị cửa hàng bán lẻ là Quản trị các quy
trình hoat động bán lẻ và Quản trị nhân viên trong cửa
hàng bán lẻ. Đây được coi là hai yếu nhất của các
cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam, nhưng lại
là điểm mạnh nhất của các chuỗi cửa hàng bán lẻ
trên thế giới khi họ thâm nhập vào thị trường Việt
Nam.
(DĐDN)
0 ý kiến:
Post a Comment