Khái niệm chiến lược giờ đây không còn xa lạ, nhưng với nhiều doanh nghiệp, đó dường như vẫn là một món ăn xa xỉ khó nuốt. Đặt vấn đề phải có chiến lược kinh doanh, nhiều người cho rằng nó hơi đao to búa lớn


Một doanh nghiệp vừa phải, kinh doanh trong một thị trường vừa phải, đâu cần gì phải có chiến lược. Một số khác lại cho rằng chiến lược là cái gì đó hết sức phức tạp, bỏ công làm xong chiến lược có khi thị trường thay đổi, lại phải vứt đi, làm lại từ đầu. Số khác nữa cho rằng kinh doanh hằng ngày đã đủ mệt, ai hơi đâu bỏ công đi săn đuổi một cái xa vời, biết ngày mai có còn được như thế không… Khác hơn tất cả, có nhiều doanh nghiệp khoe rằng mình đã bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc, cùng đội ngũ, thậm chí thuê cả tư vấn xịn để xây dựng chiến lược, cũng đủ cả tầm nhìn, sứ mạng… được đăng tải trên website của công ty.
Cái sự muôn mặt về chiến lược như vậy phản ánh một sự lộn xộn trong tư duy và trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay.
Điều trước tiên là có nhiều sự hiểu sai về khái niệm chiến lược. Nhiều người cho rằng chiến lược là một kiểu kế hoạch 5 năm - 10 năm. Lập kế hoạch kiểu này đúng là mệt, nhưng kết quả thực tế rất hạn chế: ai biết ngày mai ra sao. Số khác lại cho rằng chiến lược là sự thể hiện những tham vọng của họ, kiểu như tầm nhìn, càng xa, càng rộng lớn càng tốt. Chính những cái hiểu như vậy đã giết chết các chiến lược kinh doanh và đẩy các doanh nghiệp lún sâu vào con đường kinh doanh mò mẫm, tới đâu hay tới đó, đầy rủi ro, bất trắc và mang đậm tính chụp giật.
Nói một các đơn giản, chiến lược là một sự định hướng cho con đường đi tới của doanh nghiệp. Việc kinh doanh, dù đơn giản như đi bán báo dạo, cũng không thể trông chờ vào sự ngẫu hứng hay may rủi. Không thể hôm nay bán báo, mai chuyển sang bán vé số, mốt lại đi bán thuốc lá. Một người bán dạo cũng phải tự xác định mình sẽ bán báo, bán vé số hay thuốc lá, để mà chuẩn bị vốn liếng, mối lái, đồ nghề và tìm kiếm khách hàng, xây dựng mối quen… Thế rồi trong quá trình bán dạo, dần dần, người ta phải xác định cho mình một lộ trình kiếm ăn, trên những con đường hoặc khu vực nhất định, định hình dần các chiêu thức cạnh tranh… Những cái đó trở thành máu thịt, chi phối hành động của người bán dạo hằng ngày, cho đến khi thị trường có sự thay đổi hay khi người ta có vốn liếng và tìm ra một cơ hội kinh doanh mới.
Chiến lược là cái đại loại như vậy. Một cách bài bản, chiến lược thường thể hiện:
. ngành kinh doanh mà doanh nghiệp sẽ tham gia: khái niệm ngành có thể hiểu như ngành vật liệu xây dựng, hoặc ngành công nghiệp nội dung số, ngành viễn thông…
. thị trường mục tiêu của doanh nghiệp : toàn quốc, toàn cầu, một khu vực thị trường xác định hay một phân khúc khách hàng như những người độc thân dưới 30 tuổi…
. sản phẩm: văn phòng phẩm, bút viết, hay giấy; dịch vụ kiểm toán hay những nhạc chuông sôi động…
. các giá trị: tạo ra sự khác biệt và thu hút khách hàng, thể hiện sự cam kết của công ty… 
Ở những công ty lớn, chiến lược có thể được xây dựng với những nội dung phức tạp hơn, nhưng tựu trung lại, nó hoàn toàn không phải là một dạng kế hoạch, mà là những định hướng một cách bài bản cho những bước đi của công ty từ hiện tại hướng tới tương lai. Các định hướng này giúp công ty định hình được con đường đi của mình, từng bước tích lũy các nguồn lực và sử dụng một cách tập trung các nguồn lực đó một cách tối ưu.
Định hướng đó cũng dẫn dắt và cổ vũ đội ngũ nhân sự đi theo con đường mà công ty đã chọn. 
Nhưng tuy vậy, việc định ra một chiến lược đúng đắn cho công ty không phải làm thế nào cũng được. Chiến lược công ty là một sự tổng hòa của các yếu tố:
. những cơ hội và thách thức của thị trường: sự phát triển của các ngành, của xã hội, các nhu cầu phát sinh, sự cạnh tranh…
. những khả năng của doanh nghiệp: các năng lực, nguồn lực, các điểm mạnh và yếu…
. những ý chí và thiên hướng của lãnh đạo: hoài bão, sở thích, nghị lực, những giá trị sống và kinh doanh
Do vậy, khi xác định chiến lược cho doanh nghiệp của mình, cần phải phân tích cặn kẽ và có hệ thống về các vấn đề trên, cho dù không phải lúc nào cũng cần có những nghiên cứu đồ sộ và tốn kém. Khi nghiền ngẫm về những vấn đề chiến lược như vậy, dần dần các nhà doanh nghiệp sẽ nhận thức được những vấn đề mà mình phải quan tâm trong quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày. Chính việc nhận thức về chiến lược và tư duy về các vấn đề chiến lược mà năng lực quản lý tổng thể, điều hành sự vụ của lãnh đạo và đội ngũ điều hành của doanh nghiệp sẽ được cải thiện.
Như vậy, vấn đề chiến lược không chỉ là của riêng chiến lược, mà nó liên quan đến cả năng lực quản lý và cung cách mà nhà lãnh đạo quản trị doanh nghiệp của mình. Chính vì vậy, việc đầu tiên cần phải làm để phát triển năng lực quản lý chính là phải phát triển năng lực quản trị chiến lược của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo chienluoc

0 ý kiến:

Post a Comment

 
Top